Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan. Chỉ số CCHC do Bộ Nội vụ đánh giá hàng năm, tỉnh Bình Dương thuộc nhóm những địa phương có kết quả tốt. Tại Hội nghị tổng kết công tác CCHC năm 2017, phương hướng nhiệm vụ 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã biểu dương Bình Dương là địa phương thực hiện tốt CCHC năm 2017. Dù đạt được những kết quả tốt trong công tác CCHC nói chung và Chỉ số CCHC nói riêng nhưng kết quảChỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 chưa đạt được kết quả tương xứng.
PCI 2017 tăng điểm
Kết quả PCI tỉnh Bình Dương năm 2017 đạt 64,47 điểm, tăng 0,9 điểm so với năm 2016 nhưng giảm 10 hạng (từ hạng 4 xuống hạng 14). Trong 10 tỉnh Đông Nam bộ, Bình Dương xếp thứ 2 về thứ bậc, sau TP.Hồ Chí Minh. Bình Dương cách tỉnh đứng đầu 6,22 điểm (phổ điểm PCI 2017 các tỉnh, thành phố trong cảnước từ 55,12 - 70,69 điểm). Trong 10 Chỉ số thành phần, PCI 2017 của Bình Dương có 6 Chỉ số thành phần tăng điểm và 4 Chỉ số giảm điểm.
Chỉ số thành phần PCI 2017 tăng điểm: Tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất 6,83 điểm (tăng 0,31 điểm). Một số tiêu chí thành phần liên quan đến CCHC như: Tiêu chí tỷ lệ % doanh nghiệp (DN) không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) do lo ngại thủ tục hành chính (TTHC) và cán bộ nhũng nhiễu đã tăng 10% điểm, nhưng tiêu chí DN thực hiện TTHC liên quan đất đai trong 2 năm qua không gặp khó khăn đã giảm 6,37% điểm và tiêu chí mới PCI 2017 là số ngày chờ đợi để được cấp GCNQSDĐ của Bình Dương là 30 ngày (xếp thứ 62/63). Trong 11 tiêu chí chỉ số thành phần này, có 3 tiêu chí liên quan CCHC, kết quả có 1 tiêu chí tăng điểm, 2 tiêu chí giảm điểm. Chi phí thời gian thực hiện TTHC 7,45 điểm (tăng 0,26 điểm). Liên quan đến CCHC, cụ thể trong 11 chỉ số thành phần, tỉnh Bình Dương đã có 5 chỉ tiêu được cải thiện là: Tỷ lệ DN dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật (giảm 4,46%); số giờ trung bình cho mỗi cuộc làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế (giảm 1 giờ); tỷ lệ % cho rằng cán bộ công chức (CBCC) giải quyết công việc hiệu quả (tăng 18,62%); tỷ lệ % cho rằng CBCC thân thiện (tăng 3,32%); tỷ lệ % cho rằng phí, lệ phí được niêm yết công khai (tăng 1,73%).
Trong số 5 chỉ tiêu mới bổ sung trong năm 2017, tỉnh được đánh giá khá tốt 2 tiêu chí so với mức trung bình chung của cả nước là: Nội dung thanh, kiểm tra ít bị trùng lặp; thanh, kiểm tra ít tạo cơ hội cho cán bộ nhũng nhiễu DN. Tuy nhiên, có 1 chỉ tiêu bị đánh giá sụt giảm là: Tỷ lệ DN cho rằng thủtục giấy tờ đơn giản (giảm 5%). Bên cạnh đó, trong 5 chỉ tiêu mới bổ sung năm 2017, có 2 chỉ tiêu chỉ ra điểm hạn chế của tỉnh so với cả nước là các DN được khảo sát cho rằng thủ tục giấy tờ còn khá phức tạp và thời gian thực hiện TTHC được rút ngắn hơn so với quy định (thấp hơn 1% so với mức trung vị cảnước). Như vậy, trong 11 tiêu chí liên quan trực tiếp từ CCHC, kết quả PCI 2017 có 5/6 tiêu chí tăng điểm, 1 tiêu chí giảm điểm; 2/5 tiêu chí mới có kết quả tích cực và 3 tiêu chí có kết quả thấp. Tính năng động, tiên phong của chính quyền: 6,04 điểm, tăng 0,37 điểm. Có 9 chỉ tiêu khảo sát, trong đó có 3 chỉ tiêu mới được bổ sung. Trong các chỉ số thành phần, có 2 chỉ tiêu được cải thiện là: Tỷ lệ DN cho rằng lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng, nhưng chưa được thực hiện tốt ở cấp huyện. Tất cả 3 chỉ tiêu mới bổ sung trong năm 2017 tỉnh Bình Dương thực hiện khá tốt so với mức trung bình của cả nước là: Nhận được phản hồi của cơ quan Nhà nước về khó khăn vướng mắc (98%); thông qua đối thoại những vướng mắc, khó khăn của DN được tháo gỡ kịp thời (69%) và 72% DN hài lòng với cách giải quyết của cơ quan Nhà nước (cao thứ 3 cả nước).
Mặc dù vậy, có 4 chỉ tiêu bị đánh giá sụt giảm là: DN đánh giá UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh (giảm 0,99%); thái độ tích cực của chính quyền tỉnh với khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) (giảm 2,41%); DN đánh giá UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho KTTN (giảm 4,21%); 82% DN cho rằng các sáng kiến hay ở cấp tỉnh chưa được thực thi tốt ở cấp sở, ngành (tăng 1,88%). Trong 9 tiêu chí chỉ số thành phần này, có 5 tiêu chí liên quan chỉ đạo điều hành CCHC tăng điểm, 4 tiêu chí giảm điểm. Dịch vụ hỗ trợ DN: 6,69 điểm, tăng 1,12 điểm, đây là tiêu chí tăng điểm nhiều nhất của tỉnh Bình Dương. Có 24 tiêu chí đánh giá, 18 tiêu chí tăng điểm.
Liên quan đến CCHC, tiêu chí về số lượng DN đã sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý về TTHC tăng 33,92%, đã góp phần cải thiện PCI 2017. Tuy nhiên, tỷ lệ DN có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật giảm 4,75%. Trong 24 tiêu chí chỉ số thành phần này, có 2 tiêu chí liên quan CCHC, kết quả có 1 tiêu chí tăng điểm, 1 tiêu chí giảm điểm. Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự: 6,39 điểm, tăng 0,59 điểm với 12/17 tiêu chí đánh giá có kết quả tích cực liên quan chủyếu đến cải cách tư pháp và tình hình an ninh trật tự của tỉnh. Cạnh tranh bình đẳng: 5,61 điểm, tăng 0,53 điểm với 11/14 tiêu chí có kết quả tích cực. Các tiêu chí này chủ yếu liên quan đến việc thực hiện bình đẳng giữa các thành phần DN: FDI, DN trong nước và DNNN trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Một số chỉ số giảm điểm
Chi phí gia nhập thị trường: Đạt 7,66 điểm, giảm 0,59 điểm. Dù giảm nhẹ về điểm nhưng đây là tiêu chí Bình Dương đạt điểm cao nhất trong 10 chỉ tiêu khảo sát PCI 2017. Các DN tiếp tục đánh giá khởi sự kinh doanh ở Bình Dương có chi phí thấp, góp phần thu hút đầu tư và tạo môi trường khởi nghiệp tốt. Trong 10 tiêu chí thành phần của chỉ số này, có 7 chỉ tiêu liên quan đến CCHC được cải thiện, tiêu biểu như tỷ lệ DN phải chờ hơn 1 tháng hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động giảm đáng kể (giảm 6,44%); số ngày thay đổi đăng ký DN là 6 ngày (giảm 1 ngày); các chỉ tiêu về thay đổi đăng ký DN đều được đánh giá tăng như: Cán bộ am hiểu chuyên môn về thủ tục (tăng 25,21%); tỷ lệ cán bộ nhiệt tình, thân thiện (tăng 24,97%); tỷ lệ DN cho rằng ứng dụng công nghệ thông tin (tăng 17,82%)...
Ngoài ra, năm 2017 ghi nhận điểm mới khi tỷ lệ DN được khảo sát đã làm thủ tục đăng ký kinh doanh qua phương thức mới như trực tuyến, bưu điện... đạt 34%, cao thứ 5 cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ DN phải chờ hơn 3 tháng để hoàn thành các thủ tục để hoạt động (tăng 1,83%); Số ngày đăng ký DN là 7 ngày (bằng mức cao nhất cảnước). Như vậy, trong 10 tiêu chí chỉ số thành phần này, có 9 tiêu chí liên quan CCHC, kết quả có 7 tiêu chí có kết quả tích cực , 2 tiêu chí giảm điểm.
Tính minh bạch và tiếp cận thông tin: Đạt 6,52 điểm, giảm 0,47 điểm. Có 12 tiêu chí khảo sát, trong đó có 7 tiêu chí liên quan CCHC. Có 3 chỉ tiêu được cải thiện là: Độ mở và chất lượng trang web của tỉnh tăng mạnh từ 33 điểm lên 42 điểm và đứng thứ 3 cả nước; tỷ lệ DN truy cập vào website của tỉnh (tăng 1%), 50% DN khảo sát cho rằng Hiệp hội DN đóng vai trò lớn trong xây dựng chính sách của tỉnh (trung vị cảnước là 48%). Tuy nhiên, các chỉ tiêu về minh bạch, công khai bị đánh giá sụt giảm như: Tiếp cận tài liệu quy hoạch (giảm 0,04%), tài liệu pháp lý (giảm 0,06%); DN cho rằng cần có mối quan hệ để có được tài liệu của tỉnh (tăng 2,38%); Thỏa thuận khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là quan trọng (tăng 7,79%). Như vậy, trong 12 tiêu chí chỉ số thành phần này, có 7 tiêu chí liên quan CCHC, kết quả có 3 tiêu chí tăng điểm, 4 tiêu chí giảm điểm.
Chi phí không chính thức: 5,38 điểm, giảm 0,8 điểm với 9 tiêu chí đánh giá với 2 tiêu chí liên quan CCHC và cả 2 tiêu chí đều có kết quả thấp bao gồm: 30% DN có chi trả chi phí không chính thức trong thực hiện TTHC đất đai (trung vị cảnước 31%), 59% cho rằng tình trạng nhũng nhiễu là phổ biến khi giải quyết TTHC (tăng 7,4% so 2016). Liên quan CCHC có tiêu chí giảm điểm là tình trạng nhũng nhiễu là phổ biến khi giải quyết TTHC (tăng 7,4%).
Đào tạo lao động: 6,35 điểm, giảm 0,16 điểm. Trong 11 tiêu chí chỉ số thành phần này, kết quả có 5 tiêu chí tăng điểm, 6 tiêu chí giảm điểm, không có liên quan đến CCHC.
Nhìn chung, PCI 2017 tỉnh Bình Dương thuộc nhóm tốt, dẫn đầu cả nước, điểm số tăng liên tục 4 năm và nhiều tiêu chí liên quan CCHC đã tác động tích cực đến kết quả PCI của tỉnh. Một số tiêu chí thuộc nhóm đứng đầu cả nước như: Chỉ số cơ sở hạ tầng cao nhất nước, cán bộ am hiểu chuyên môn về thủ tục (tăng 25,21%); tỷ lệ cán bộ nhiệt tình, thân thiện (tăng 24,97%); tỷ lệ DN cho rằng ứng dụng công nghệ thông tin (tăng 17,82%), tiêu chí về số lượng DN đã sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý về TTHC tăng 33,92%, tỷ lệ DN được khảo sát đã làm thủ tục đăng ký kinh doanh qua phương thức mới như trực tuyến, bưu điện... đạt 34%, cao thứ 5 cả nước đã góp phần cải thiện PCI 2017, góp phần đưa Bình Dương trở thành địa phương thu hút đầu tư nước ngoài cao thứ 2 cả nước.
Trong tổng số 128 chỉ tiêu hợp thành 10 chỉ số thành phần trong chỉ số PCI 2017, so với con số 112 chỉ tiêu của giai đoạn 2013-2016, có 43 tiêu chí liên quan CCHC, tỉnh Bình Dương có 24 tiêu chí liên quan CCHC tăng điểm, cải thiện khá tốt theo tình hình CCHC của tỉnh. Tuy nhiên, có 19 tiêu chí thành phần có kết quả chưa tốt, sụt điểm liên quan CCHC cũng khá tương đồng với những tồn tại trong công tác CCHC của tỉnh như: Vai trò trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu trong CCHC; TTHC trong lĩnh vực đất đai còn nhiều phức tạp và số ngày chờ để được cấp GCNQSDĐ (lâu thứ 2 cả nước); tỷ lệ DN phải chờ hơn 3 tháng để hoàn thành các thủtục để hoạt động và số ngày đăng ký DN là 7 ngày (bằng mức cao nhất cả nước); công khai minh bạch trong quy hoạch và các tài liệu pháp lý (mức giảm dưới 1%) và vấn đề nhũng nhiễu của CBCC khi làm TTHC.
Một số khuyến nghị đểtiếp tục nâng cao chất lượng
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Trong quá trình tiến hành nghiên cứu và công bố chỉ số PCI, chúng tôi có quan sát thấy khá nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện những cải cách chính sách và có được những cải thiện thực sự. Song, cũng có vấn đề là một vài địa phương lại chỉ tập trung vào cải thiện điểm số của các chỉ tiêu cụ thể, ví dụ như chỉ nâng cấp trang web của tỉnh, trong khi lại lơ là vấn đề cốt lõi. Chính vì vậy, trong không ít trường hợp, điều mà chúng tôi nhận thấy là điểm số của chỉ tiêu tăng nhưng DN vẫn phản ánh những khó khăn, bức xúc. Nói cách khác, một vài địa phương mới tiến hành những hoạt động mang tính “bề nổi” thay vì triển khai những cải cách mang tính thực chất và điều này cần được khắc phục.
Đối với tỉnh Bình Dương, dù còn những tồn tại như đã phân tích ở phần trên nhưng với những cải cách thực chất, đi vào chiều sâu và những hành động thiết thực trong CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và nhất là việc xây dựng thành phố thông minh Bình Dương sẽ lan tỏa sâu rộng hơn. Kỳ vọng kết quả PCI Bình Dương trong thời gian tới sẽ có kết quả tích cực hơn và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
TRƯƠNG CÔNG HUY