Kỳ 2: Nâng cao mức sống của người dân
Những năm qua, với sự nỗ lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, Bình Dương không những làm tốt công tác giảm nghèo mà còn thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế tại địa phương. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập và tạo điều kiện cho người dân vươn lên trong cuộc sống.
Thời gian qua, việc thực hiện các mô hình sản xuất hiện đại, phù hợp vào thực tiễn đã mang lại thu nhập cao cho người dân trong tỉnh. Trong ảnh: Mô hình Tổ hợp tác trồng nấm tại phường An Thạnh, TX.Thuận An mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề
Thời gian qua, xác định giảm nghèo là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Dương đã ban hành Chương trình hành động cụ thể cho từng giai đoạn với nhiều chính sách, giải pháp được triển khai thực hiện có hiệu quả. Riêng trong giai đoạn 2011-2015, Bình Dương cũng đã tích cực thực hiện các chính sách khuyến công, khuyến nông, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình thâm canh cây tiêu, nuôi bò sinh sản, nuôi gà thả vườn... nhằm giúp cho các hộ dân được hỗ trợ con giống, hướng dẫn phương thức sản xuất. Cùng với đó, ngành nông nghiệp của tỉnh đã tổ chức các lớp đào tạo nghề trồng và nhân giống nấm, tạo dáng, chăm sóc cây cảnh, trồng hoa lan; định hướng người dân đầu tư áp dụng kỹ thuật cao nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP…
Điểm đáng ghi nhận, trong giai đoạn 2011-2015, đã có hơn 8.000 lao động trong tỉnh được đào tạo nghề theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; trong đó có hơn 5.600 người tìm được việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; số còn lại là tự tạo việc làm và góp vốn thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp... Ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, các chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tạo điều kiện cho họ có một nghề phù hợp với khả năng của mình và sát với nhu cầu thực tế ở địa phương. Từ đó đã giúp cho lao động nông thôn trong tỉnh cải thiện đời sống, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo ở địa phương.
Trong khi đó, năm 2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 46/2012/QĐ-UBND về “Những giải pháp chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015”. Thực hiện quyết định này, đến nay đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và trở thành thế mạnh để ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững trong thời gian tới. Các ngành liên quan và địa phương còn triển khai các nội dung về vay ưu đãi, hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo đồng ruộng; đồng thời hỗ trợ phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và phát triển sản phẩm…
Phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả
Đến nay, toàn tỉnh có 116 hợp tác xã (HTX) với 56.544 thành viên. Các HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, thương mại - dịch vụ, xây dựng, quỹ tín dụng nhân dân… Lợi nhuận bình quân của các HTX trên địa bàn tỉnh đạt 360 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của các thành viên và người lao động đạt 60 triệu đồng/năm. Hiện toàn tỉnh còn có 344 tổ hợp tác (THT) với 5.744 thành viên. Các THT đã tích cực thực hiện tương trợ vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Bên cạnh đó, theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 2.500 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, trong đó có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi cá cảnh, trồng rau an toàn, trồng hoa lan… Qua khảo sát của ngành chức năng cho thấy, lợi nhuận từ các phương án chăn nuôi áp dụng kỹ thuật cao trên địa bàn tỉnh đạt trung bình từ 100 - 120 triệu đồng/lứa đối với đàn heo thịt nuôi từ 900 - 1.200 con và đàn gia cầm nuôi từ 12.000 - 15.000 con; trồng hoa lan cho thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/năm/1.000m2… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 4 khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 991,4 ha, tập trung ở các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và TX.Tân Uyên.
Ông Nguyễn Văn Thấy, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, sự phát triển của kinh tế tập thể (KTTT) đã góp phần khai thác thêm nguồn vốn trong dân, đồng thời nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Từ đó góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống của người dân khi tham gia KTTT. Mục tiêu tổng quát về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động KTTT của tỉnh giai đoạn 2016-2020 là phát triển THT, HTX nhanh, bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân trong khu vực HTX đạt 75 triệu đồng/người…
Riêng về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan. Có được kết quả này trước hết là nhờ trong thời gian qua tỉnh đã có nhiều đột phá trong việc đổi mới sản xuất nông nghiệp. Từ đó đã đem lại nguồn lợi cho người nông dân, góp phần nâng cao mức sống của người dân.
Những năm qua, Bình Dương được biết đến là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp và thu hút đầu tư. Thành quả của 2 lĩnh vực này đã đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và nâng cao mức sống người dân nói riêng. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp với diện tích 10.560 ha, tỷ lệ cho thuê đạt 69,5% và 10 cụm công nghiệp với diện tích 707 ha, diện tích cho thuê đạt khoảng 61,5%. Đến nay, toàn tỉnh đã có 24.270 doanh nghiệp đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 181.000 tỷ đồng và 2.789 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 25 tỷ 274 triệu USD. Tỉnh cũng đang triển khai đầu tư xây dựng các khu công nghiệp theo quy hoạch điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể là đến năm 2020, Bình Dương sẽ có 33 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 14.790 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị, qua đó góp phần tạo việc làm và nâng cao hơn nữa mức sống người dân.
Về thu nhập của người dân, đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 72,3 triệu đồng, tương ứng với GRDP bình quân đầu người là hơn 101 triệu đồng. Bình Dương là một trong những địa phương nâng mức chuẩn nghèo cao hơn so với chuẩn nghèo do Chính phủ quy định. Giai đoạn 2011-2013, chuẩn nghèo của tỉnh: Đối với nông thôn là 800.000 đồng/người/tháng, thành thị là 1 triệu đồng/người/tháng. Giai đoạn này Bình Dương được công nhận là cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh.Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh năm 2011 là 2,58%, năm 2013 giảm còn 0,69%. Giai đoạn 2014-2015, Bình Dương tiếp tục nâng chuẩn nghèo mới: Khu vực nông thôn là 1 triệu đồng/người/tháng trở xuống; thành thị là 1,1 triệu đồng/người/tháng trở xuống. Đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh giảm còn 0,5%. Hiện toàn tỉnh có 3.895 hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh, chiếm 1,29% và 2.900 hộ cận nghèo, chiếm 0,96% tổng số hộ dân trong toàn tỉnh.
QUỲNH NHIÊN
Kỳ 3: Rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn