Kỳ 3: Tuyến đầu một lòng cống hiến
Đại dịch Covid-19 đang tàn phá trên quy mô toàn cầu và vẫn đang tiếp tục diễn biến khó lường, Bình Dương không may trở thành tâm dịch trong đợt bùng phát thứ 4 này. Phát huy truyền thống “lương y như từ mẫu”, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tỉnh nhà gói lại những bộn bề cuộc sống, tiên phong ra tuyến đầu chống dịch chiến đấu với kẻ thù mang tên vi rút SARS-CoV-2.
Cán bộ ngành y tế sát cánh cùng bệnh nhân tại khu điều trị Phú Chánh, TX.Tân Uyên thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Can trường trong tâm dịch
Như bao cuộc chiến trong lịch sử hào hùng của dân tộc, mỗi người con Bình Dương luôn sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Trong cuộc chiến không tiếng súng này, bao cán bộ, y bác sĩ gác lại cuộc sống thường nhật, tạm rời xa gia đình, người thân để bước vào tâm dịch. Chính tinh thần xung phong, trái tim nhiệt huyết phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, khu điều trị hay dầm mưa dãi nắng đến từng con phố để điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm đã góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, bảo vệsức khỏe người dân. Nhiều y bác sĩ, nhân viên y tế hàng tháng trời không được về nhà thăm con thơ, không được ở bên chăm sóc cha mẹ già đang bệnh nặng. Họ là những anh hùng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng, chiến đấu với kẻ thù vô hình nhưng đầy hiểm nguy.
THỐNG KÊ ĐẾN SÁNG 10-9, TOÀN TỈNH GHI NHẬN 146.296 CA NHIỄM COVID-19 TRONG ĐỢT DỊCH BỆNH THỨ 4, NHƯNG ĐÃ CÓ HƠN 64% (93.987 BỆNH NHÂN) TRÊN TỔNG SỐ CA NHIỄM ĐÃ ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ KHỎI. |
Trải lòng về công tác phòng, chống dịch bệnh với ánh mắt thâm quầng vì bao đêm không ngủ, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết những ngày qua, cả nước hướng về Bình Dương và các tỉnh, thành phía Nam, dõi theo từng thông tin diễn biến dịch bệnh. Mỗi một bệnh nhân nhiễm Covid-19 khỏi bệnh, xuất viện là niềm vui vỡ òa. Đây thực sự là món quà tinh thần vô giá mà ngành y tế dành tặng người dân. Trải qua gần 4 tháng trời chống dịch, đặc biệt từ ngày 14-6 đến nay khi biến chủng Delta xuất hiện tại nhiều công ty đan xen với các khu nhà trọ đông công nhân, nhiễm sâu vào cộng đồng dân cư nên có phần khó khăn cho công tác bóc tách F0.
“Đã mấy tháng nay anh em y tế không có phút giây ngơi nghỉ. Bất kể ngày, đêm hay nắng, mưa, dù ở nơi nào, khi có thông tin về dịch bệnh là anh em lập tức có mặt. Các đội điều tra, lấy mẫu xét nghiệm vào guồng quay liên tục. Làm việc suốt từ sáng đến quá trưa trong bộ đồ bảo hộ mồ hôi ướt sũng, toàn thân mệt lử, rã rời, bàn tay nhăn nheo vì mất nước, đeo găng. Vất vả, nguy hiểm là thế nhưng anh em vẫn bám trụ địa bàn. Dù ở trong phòng xét nghiệm hay vào tâm dịch, công việc của họ luôn đầy rủi ro, nguy cơ lây nhiễm cao. Nhất là đối với những y bác sĩ trong phòng chăm sóc bệnh nhân nặng phải thay từng cái tã, bón từng muỗng cháo, ngụm nước cho bệnh nhân và không rời mắt dõi theo từng chỉ số sinh tồn để bệnh nhân không bị chuyển biến nặng”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương cho biết thêm.
Có mặt và tận mắt chứng kiến công việc bộn bề của những “người lính áo trắng” mới thấu hiểu hết nỗi gian truân, sự hy sinh cống hiến của họ. Thật khó có ngôn từ để diễn tả hết những khó khăn mà các cán bộ phòng, chống dịch bệnh đã trải qua. Làm việc trong môi trường nguy cơ cao, nhiều cán bộ, y bác sĩ tình nguyện viên nơi tuyến đầu đã nhiễm bệnh và thậm chí đã hy sinh như trường hợp của nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh. Đọc thư chia buồn của Giám đốc Sở Y tế Bình Dương gửi gia đình nữ hộ sinh mất vì Covid-19 mà đẫm cả nước mắt: “Cái chết đối với từng người vốn dĩ là một hành trình cô đơn không thể chia sẻ cùng ai. Nay điều khủng khiếp nhất của đại dịch Covid-19 không chỉ là chia cách tình thân, cắt đứt sự giao tiếp trong xã hội mà còn đẩy những người nhiễm, người chết vào hoàn cảnh đơn độc đến tận cùng”. Sự ra đi của nữ hộ sinh Thùy Trinh như là sức mạnh tinh thần để mỗi cán bộ, nhân viên y tế tỉnh nhà biến đau thương thành hành động, vượt qua khó khăn quyết tâm chiến đấu và chiến thắng đại dịch.
Nhân viên trạm y tế lưu động phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên chuẩn bị bình oxy hỗ trợ bệnh nhân Covid-19
Xung phong vào hiểm nguy
Phát huy tinh thần “lương y như từ mẫu” trong cuộc chiến “dịch giã như giặc giã”, sau lời kêu gọi hỗ trợ từ Giám đốc Sở Y tế, hàng trăm lá đơn của đội ngũ y bác sĩ về hưu đã gửi về xin được tình nguyện tham gia phòng, chống dịch bệnh nơi tuyến đầu. Có những bác sĩ tuổi đã cao, mang bệnh trong người nhưng vẫn xung phong tham gia hồi sức cấp cứu, chữa trị các ca bệnh nặng. Bác sĩ Từ Tấn Thứ, nguyên Chánh Văn phòng Sở Y tế, chia sẻ: “Là bác sĩ đã nghỉ hưu, tôi thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Khi làn sóng dịch bệnh thứ 4 xuất hiện tại Bình Dương, hình ảnh các “chiến sĩ blouse trắng” nơi tuyến đầu không quản ngại khó khăn gian khổ đã làm tôi rất xúc động. Nhận thấy sức khỏe bảo đảm, tinh thần minh mẫn, sáng suốt, lại có kinh nghiệm khám chữa bệnh nên tôi muốn gia nhập để đóng góp chút sức lực của mình vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Bản thân tôi chỉ là một hạt cát nhỏ nhoi trong cuộc chiến chống đại dịch này, nhưng tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều hạt cát nhỏ như tôi hợp lại sẽ mang tới chiến thắng trong cuộc chiến này”.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế: “Đã mấy tháng nay anh em y tế không có phút giây ngơi nghỉ. Bất kể ngày, đêm hay nắng, mưa, dù ở nơi nào, khi có thông tin về dịch bệnh là anh em lập tức có mặt. Các đội điều tra, lấy mẫu xét nghiệm vào guồng quay liên tục. Làm việc suốt từ sáng đến quá trưa trong bộ đồ bảo hộ mồ hôi ướt sũng, toàn thân mệt lử, rã rời, bàn tay nhăn nheo vì mất nước, đeo găng. Vất vả, nguy hiểm là thế nhưng anh em vẫn bám trụ địa bàn. Dù ở trong phòng xét nghiệm hay vào tâm dịch, công việc của họ luôn đầy rủi ro, nguy cơ lây nhiễm cao. Nhất là đối với những y bác sĩ trong phòng chăm sóc bệnh nhân nặng phải thay từng cái tã, bón từng muỗng cháo, ngụm nước cho bệnh nhân và không rời mắt dõi theo từng chỉ số sinh tồn để bệnh nhân không bị chuyển biến nặng”. |
Nhìn danh sách hàng ngàn tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch bệnh tại Bình Dương, chúng tôi đặc biệt ấn tượng và xúc động về anh Nguyễn Thế Hùng, 30 tuổi, quê huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Anh Hùng là nhân viên phân phối hàng của Công ty Vinacacao Việt Nam. Anh trải lòng trên trang Facebok cá nhân: “Bình Dương đang đối mặt với nhiều thách thức của dịch bệnh, đội ngũ nhân viên y tế thiếu hụt bởi áp lực ca F0 đang gia tăng. Những ngày giãn cách ở nhà nhàn rỗi hết xem phim rồi lướt mạng xã hội, cuộc sống tẻ nhạt biết nhường nào. Ở ngoài kia các lực lượng vẫn đội nắng dầm mưa trực gác 24/24, cán bộ y bác sĩ, nhân viên y tế phải làm việc thâu đêm suốt sáng. Có những y bác sĩ con mới 6 tháng tuổi nhưng phải để lại cho ông bà, gia đình chăm sóc mà lăn mình vào tâm dịch”. Hình ảnh người chiến sĩ áo trắng kiên cường ấy đã thôi thúc anh Hùng viết đơn xin được góp sức mình phục vụ trong bệnh viện dã chiến.
Kể làm sao hết ân tình của những chiến sĩ áo trắng của tỉnh nhà cũng như từ khắp mọi miền đất nước chi viện cho Bình Dương. Họ luôn đồng hành, sát cánh cùng ngành y tế tỉnh nhà tới những điểm nóng của tâm dịch. Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thao, tình nguyện viên đoàn y bác sĩ tỉnh Thanh Hóa được tin mẹ chồng qua đời ở quê nhà nhưng vì nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, chị Thao nén lại nỗi đau, tiễn biệt mẹ từ xa. Hình ảnh chịu tang mẹ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh của chị Thao đã trở thành biểu tượng hy sinh cao cả của nữ chiến sĩ áo trắng gác lại nỗi đau riêng để bám trụ nơi tuyến đầu Bình Dương.
Cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu đã bao đêm không ngủ, dõi theo những chỉ số sinh tồn để từ đó sự sống được hồi sinh. (Còn tiếp)
KIM HÀ