Bốn phiên thảo luận chính tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông

Cập nhật: 26-10-2023 | 07:08:13

Các đại biểu dự phiên khai mạc.

Ngày 25/10, ngày đầu tiên đầu tiên của Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 “Thu hẹp vùng biển xám, Mở rộng vùng biển xanh” do Học viện Ngoại giao tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã có nhiều bài phát biểu quan trọng trong 4 phiên thảo luận chính.

Trong bài phát biểu của mình, bà Anne-Marie Trevelyan, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh phụ trách các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho biết Việt Nam và Vương quốc Anh là đối tác gần gũi trong các vấn đề an ninh biển; việc tham dự Hội thảo này vì những gì đang diễn ra tại Biển Đông là mối quan tâm toàn cầu, nhất là trong bối cảnh xung đột làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Anh luôn mong muốn tăng cường quan hệ với các đối tác và ủng hộ phát triển bền vững, cùng ứng phó với những thách thức chung để bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

Theo bà Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh, Anh quốc luôn tôn trọng và đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN trong duy trì hòa bình và thịnh vượng tại khu vực; khẳng định tăng cường cam kết với ASEAN và các quốc gia thành viên thông qua các dự án cụ thể như Quỹ Hành tinh Xanh (Blue Planet Fund), thỏa thuận thành lập Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (Just Energy Transition Partnership); khẳng định Anh sẽ tiếp tục duy trì cam kết tại khu vực vì hòa bình và sự ổn định tại Biển Đông là ưu tiên của tất cả các quốc gia.

Ông Martin Thümmel, Ủy viên phụ trách Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Liên bang Đức đã bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang căng thẳng ở Biển Đông gần đây, đặc biệt vụ việc tàu cảnh sát biển và tàu dân quân biển Trung Quốc đâm va các tàu của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines ngày 22/10/2023.

Ông Thümmel nhắc lại sự cần thiết của việc tuân thủ đầy đủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS về Vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.

Để bảo đảm sự thịnh vượng và định hình trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế, cần đến sự hợp tác của các nước ở khu vực. Hai năm trước, Đức đã đưa ra Bản hướng dẫn chính sách về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó một khía cạnh quan trọng là triển khai hiệu quả luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

ASEAN đóng vai trò chính trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế và cách tiếp cận xây dựng ở khu vực. Phân định vùng biển giữa Indonesia, Malaysia, Việt Nam và các cuộc đàm phán đang diễn ra có tác dụng thúc đẩy hợp tác ở khu vực.

Đức nhấn mạnh việc xác định các vùng biển phải tuân theo quy định của luật pháp quốc tế, UNCLOS. Chỉ từ cấu trúc đất liền mới có thể xác định các vùng biển, lãnh hải và Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý.

Phán quyết Tòa Trọng tài năm 2016 đã bác bỏ yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc, theo đó không có cấu trúc nào ở Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Tuyên bố chung Đức-Pháp-Anh về tình hình Biển Đông nhấn mạnh tôn trọng luật pháp quốc tế. Đức tăng cường hợp tác xây dựng năng lực an ninh biển cho các nước ở khu vực như cảnh sát biển của Philippines và Malaysia.

Đức đã điều động tàu hải quân đến Biển Đông vào năm 2021, năm 2022 và sẽ tiếp tục duy trì hiện diện để ủng hộ sự ổn định của an ninh khu vực trong thời gian tới.

Trong Phiên 1 “Biển Đông: Chặng đường 15 năm qua," các đại biểu cho rằng cách đây 15 năm, không có nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, Biển Đông được cho là vấn đề tranh chấp song phương của các nước trong khu vực và các nước không quan tâm nhiều đến các biện pháp quản lý xung đột.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vấn đề Biển Đông đã xuất hiện nhiều yếu tố, khía cạnh mới như: đa phương hóa, quốc tế hóa; quân sự hóa các vùng biển và khu vực chiếm đóng; luật pháp quốc tế được đề cập trong quản lý tranh chấp.

Phán quyết của Tòa trọng tài 2016 đã vẽ ra một bức tranh pháp lý rõ ràng cho Biển Đông khi quy định rõ quy chế pháp lý của các thực thể ở Biển Đông như đảo đá, bãi chìm, bãi nửa nổi nửa chìm và bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc. Tuy nhiên, tranh chấp vẫn còn tiếp tục kéo dài căng thẳng do Trung Quốc không công nhận Phán quyết, tiếp tục thực thi yêu sách đường 9 đoạn và gần đây mới công bố thành đường đứt đoạn.

Theo các đại biểu, có nhiều hoạt động “vùng xám” ở trên biển bao gồm sự tham gia chuẩn bị kỹ lưỡng của các bên, sử dụng các trang thiết bị tiên tiến như tàu thuyền hiện đại, vệ tinh, thiết bị bay không người lái để ghi hình và công bố các thông tin có lợi cho mình. Biển Đông hiện nay được đánh giá là vấn đề quốc tế, có nhiều rủi ro xung đột hơn và nếu có xảy ra xung đột sẽ dễ bị leo thang mở rộng.

Đồng thời, các nước quan tâm hơn đến thúc đẩy các biện pháp quản lý tranh chấp như tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đang có một số tiến triển tích cực.

Tuy nhiên, hiện nay, còn tồn tại một số nội dung gây tranh cãi trong đàm phán COC như: phạm vi áp dụng, hiệu lực pháp lý, cơ chế thực thi, vai trò của bên thứ ba... Những khía cạnh, yếu tố mới nói trên khiến vấn đề Biển Đông ngày càng nhận được sự quan tâm chú ý của cả cộng đồng quốc tế và khu vực, trong bối cảnh vai trò đó, vị trí của Biển Đông trong cuộc cạnh tranh kinh tế và chiến lược toàn cầu và ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng gia tăng.

Trong Phiên 2 “Các nước lớn và Những trách nhiệm lớn: Hợp tác và cùng chung sống trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng?," các học giả đã đánh giá về quan hệ nước lớn nói chung và trong vấn đề Biển Đông nói riêng, trong đó đề cập đến lợi ích, quan điểm của các nước lớn cũng như ảnh hưởng của cuộc cạnh tranh công nghệ đến tình hình Biển Đông.

Đa số các học giả đồng tình rằng vấn đề hòa bình, ổn định ở Biển Đông là quan trọng, ưu tiên của mọi quốc gia và mong muốn tránh xảy ra đụng độ, đối đầu tại khu vực.

Tuy nhiên, trái với mong muốn trên, tình hình Biển Đông hiện nay đang trở nên căng thẳng hơn, đặc biệt trong bối cảnh trật tự thế giới đang có nhiều biến chuyển, năng lực tổng hợp của một số quốc gia thay đổi, đi kèm với đó là mong muốn xây dựng luật chơi mới phù hợp với vị thế nước lớn của mình.

Các học giả cho rằng quan điểm của các nước lớn về vấn đề Biển Đông có sự bất đồng, khác biệt cơ bản. Một số quan điểm nhìn nhận vấn đề tranh chấp Biển Đông là vấn đề đa phương có ảnh hưởng tới lợi ích của cộng đồng quốc tế và khu vực.

Trong khi đó, một số quan điểm khác lại nhìn nhận vấn đề Biển Đông qua lăng kính cạnh tranh nước lớn. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt lòng tin giữa các nước và do đó khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng thêm.

Có ý kiến chia sẻ, hành động xây dựng mạng lưới các cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho phép kiểm soát khu vực Biển Đông cũng là nhân tố tác động tiêu cực tới hòa bình khu vực trong tương lai. Bên cạnh đó, một số học giả cho biết, các quốc gia vẫn có thể chia sẻ kinh nghiệm và cùng thúc đẩy hợp tác minh bạch trong lĩnh vực công nghệ-kỹ thuật ở khu vực Biển Đông.

Trong Phiên 3 “Cách tiếp cận đa phương về Biển Đông: Một xu hướng mới?," các chuyên gia tập trung thảo luận về xu hướng và vai trò của cách tiếp cận đa phương trong vấn đề Biển Đông. Từ góc độ ASEAN, chủ nghĩa đa phương có vai trò quan trọng đối với các nước nhỏ, góp phần giảm thiểu các rủi ro, nhất là khi đối phó với hành động gây hấn của các nước lớn.

Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh thách thức như hiện nay, ASEAN vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng không phải là duy nhất trong vấn đề Biển Đông. Nhưng đa số ý kiến khẳng định cho đến nay, ASEAN vẫn tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm, đã xây dựng và vận hành nhiều cơ chế dẫn dắt các nước khu vực và các nhóm đa phương khác. ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt trong những vấn đề đòi hỏi có hành động và nỗ lực tập thể, trong đó có an ninh trên không gian biển.

Có chuyên gia gợi ý hợp tác kinh tế biển xanh (blue economy) là một hướng đi để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và quản lý bền vững biển và đại dương, trong đó, quốc gia là chủ thể quan trọng, lực lượng hải quân có thể đóng vai trò trong đảm bảo sử dụng biển bền vững.

Trong Phiên 4 “Cần một khuôn khổ pháp lý cho đấu tranh pháp lý?," các học giả chia sẻ cách tiếp cận đa dạng về “chiến tranh pháp lý”; đồng tình rằng hiện nay, nhiều quốc gia sử dụng luật pháp như một công cụ để đạt được các mục tiêu chiến lược.

Có ý kiến cho rằng “chiến tranh pháp lý” chỉ là một trong nhiều công cụ trong hoạt động "vùng xám"; không chỉ được hiểu là diễn giải và áp dụng sai lệch các nguyên tắc, quy định quốc tế hiện hành, mà còn tận dụng lỗ hổng mà luật pháp quốc tế chưa kịp điều chỉnh đối với những vấn đề mới.

Cũng có ý kiến chỉ ra, tại Biển Đông, một số chủ thể đã sử dụng luật pháp, ban hành nội luật, diễn giải luật sai lệch theo cách thức “lựa chọn có lợi cho mình” để củng cố các yêu sách vùng biển không phù hợp với luật pháp quốc tế, làm xói mòn trật tự pháp lý trên biển.

Đa số vẫn tiếp tục khẳng định luật pháp quốc tế, trong đó Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là xương sống, khuôn khổ cho hành vi ứng xử của các quốc gia trên biển.

Cũng có ý kiến đề xuất các quốc gia nhỏ có yêu sách tại Biển Đông cần tập hợp để cùng đấu tranh chống lại xu hướng sử dụng luật pháp sai lệch.

Ngày 26/10, Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 sẽ tiếp tục 4 phiên thảo luận chính về các chủ đề: Vai trò của Cảnh sát Biển trong tăng cường hợp tác ở Biển Đông; Thời điểm quyết định: Năng lượng truyền thống hay năng lượng tái tạo?; Cơ sở hạ tầng thiết yếu: Ý nghĩa chiến lược mới của công nghệ; Tiếng nói của thế hệ kế cận./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1547
Quay lên trên