Các địa phương trong tỉnh: Tích cực phòng ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi

Cập nhật: 01-03-2019 | 07:50:15

Tại Bình Dương, dù chưa phát hiện trường hợp heo bị nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi, song ngành chức năng và người chăn nuôi đang tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch.

 Chủ động ngăn ngừa

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại một số địa phương phía Bắc, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh đã có văn bản số 99 CCCNTYVTS-QLDB gửi trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh dịch tả heo châu Phi. Theo đó, chi cục yêu cầu các trạm chăn nuôi và thú y kịp thời tham mưu cho UBND cấp huyện kế hoạch hành động ứng phó với dịch bệnh dịch tả heo châu Phi trên cơ sở nội dung kế hoạch của UBND tỉnh ban hành vào tháng 12-2018; rà soát lại tình hình chăn nuôi heo tại địa phương và giám sát chặt chẽ việc vận chuyển heo từ các địa phương khác vào lò giết mổ...

 Lực lượng chức năng đang lấy mẫu kiểm dịch tại một cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TIỂU MY

Ghi nhận cho thấy, những ngày qua, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện ráo riết việc kiểm tra, kiểm soát tình hình dịch bệnh tại các trang trại, hộ chăn nuôi, việc vận chuyển đàn heo qua địa bàn. Theo ông Huỳnh Lê Khang, Phó trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và thú y huyện Dầu Tiếng, trạm đã thành lập các tổ kiểm tra tình hình lâm sàng trên heo tại các trang trại, hộ chăn nuôi heo trên địa bàn và đã thực hiện kiểm tra nguồn gốc heo và công tác tiêm phòng trên heo. Kết quả cho thấy, các trang trại, hộ chăn nuôi heo trên địa bàn thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh.

“Hiện chúng tôi đang tiến hành tiêm ngừa các loại vắc xin lở mồm long móng, tai xanh và dịch tả nhằm tăng cường hệ thống miễn dịch cho đàn heo tại các trang trại và hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền và kiểm tra công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại để bảo vệ đàn heo, bảo vệ tài sản của người chăn nuôi trên địa bàn”, ông Khang nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, đại diện cơ sở chăn nuôi của đơn vị nuôi gia công cho Công ty CP tại huyện Dầu Tiếng cho biết, thời gian qua cơ sở thực hiện rất nghiêm ngặt quy trình an toàn sinh học của Công ty CP, nên không lo dịch tả heo châu Phi lây nhiễm vào đàn heo. Tuy nhiên, cơ sở vẫn luôn theo dõi diễn biến tình hình bệnh dịch để cùng địa phương, ngành chức năng phòng ngừa hiệu quả.

Để phòng ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi hiệu quả, những ngày này, các địa phương trong tỉnh đã tích cực chỉ đạo ngành chức năng tích cực thực hiện, hỗ trợ các trang trại, hộ chăn nuôi tiêu độc khử trùng, bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho đàn heo. Đại diện trạm chăn nuôi và thú y các địa phương trong tỉnh cho biết, ý thức chấp hành các giải pháp phòng ngừa dịch tả heo châu Phi của các chủ trang trại, người chăn nuôi heo trong tỉnh rất tốt, bởi họ hiểu rằng nếu dịch xảy ra, thiệt hại sẽ rất lớn, vì đây là dịch bệnh chưa có vắc xin ngừa, chưa có thuốc chữa.

Không được chủ quan

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết chi cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và trạm chăn nuôi và thú y các địa phương trong tỉnh tăng cường kiểm dịch tại cơ sở giết mổ để kịp thời phát hiện những trường hợp bất thường. Trong trường hợp phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi, các đơn vị cần lập tức tiêu hủy ngay đàn heo nhiễm bệnh và những đàn heo ở khu vực xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh.

Theo ghi nhận, những ngày qua, trạm chăn nuôi và thú y các địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt chỉ đạo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh. Tại các cơ sở giết mổ trong tỉnh hiện cơ quan chức năng chưa phát hiện tình trạng nhập đàn heo từ các tỉnh phía Bắc. Ông Lê Hoàng Ngư, chủ một cơ sở giết mổ tại huyện Dầu Tiếng, cho hay nguồn heo cơ sở nhập về lò hiện nay là từ các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, không nhập heo từ các tỉnh phía Bắc. Khi heo nhập về cơ sở phải có đầy đủ giấy tờ nguồn gốc và giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh của cơ quan chức năng. Sau khi cơ sở của ông nhập heo về, cán bộ thú y địa phương sẽ đến kiểm tra lâm sàng, phun thuốc khử trùng… kỹ lưỡng.

Trao đổi với phóng viên về giải pháp để ngăn ngừa nguồn heo nhập lậu vào địa phương, ông Trần Văn Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, cho biết cục đã chỉ đạo đội QLTT các địa phương tăng cường công tác trinh sát nắm tình hình nhập lậu heo từ các địa phương khác. Cục QLTT tỉnh đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình nhằm ngăn chặn kịp thời nguồn heo nhập lậu vào Bình Dương.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, bên cạnh việc cơ quan chức năng siết chặt kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh tả heo châu Phi, người chăn nuôi trong tỉnh không được chủ quan, cần chủ động thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa, phối hợp tốt với cơ quan hữu quan, địa phương để xử lý kịp thời những bất thường trên đàn heo.

 Tại phiên họp định kỳ tháng 2-2019 của UBND tỉnh vừa qua, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=807
Quay lên trên