Các doanh nghiệp dệt may, giày da: Nhộn nhịp đơn hàng đầu năm

Cập nhật: 03-01-2019 | 09:34:05

Cùng với những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đã, đang mang lại, năm 2019 ngành dệt may, gia dày trong nước được các chuyên gia kinh tế đánh giá tiếp tục có nhiều thuận lợi. Thực tế cho thấy, hiện nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong ngành dệt may, gia dày trên địa bàn tỉnh đã ký đơn hàng đến tháng 5-2019.


Dây chuyên sản xuất của Công ty May 3-2.
Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Dồi dào đơn hàng

Năm 2018, xuất khẩu ngành dệt may của tỉnh tập trung chủ yếu vào thị trường trọng điểm như Mỹ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc. Cùng với đó, trong năm 2018, khi cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ diễn ra được xem là cơ hội lớn cho ngành dệt may của Việt Nam, khi làn sóng đầu tư vào đơn hàng xuất khẩu đang có xu hướng chuyển dịch dần từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Việc nước ta tham gia các hiệp định thương mại trong những năm qua đã và đang tạo động lực cho các doanh nghiệp ngành dệt may trong nước đầu tư phát triển, tăng tỷ lệ nội địa hóa nhằm đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để được ưu đãi thuế quan. Đối với Bình Dương, ngành giày dép xuất khẩu luôn duy trì mức tăng trưởng cao, hiện đang là ngành hàng chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh.

Trong năm 2018, việc triển khai các hoạt động thực thi những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã và đang tạo ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ngành giày da xuất khẩu của Việt Nam. Những kết quả đạt được trong năm 2018, cùng với các điều kiện thuận lợi đã và đang có sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp hoạt động sản xuất và xuất khẩu các ngành hàng dệt may, giày dép trong tỉnh tiếp tục có nhiều đơn hàng trong năm 2019.

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương, Giám đốc Công ty May Quốc tế (xã An Điền, TX.Bến Cát), cho biết năm 2018 công ty đã thay đổi mô hình hoạt động từ gia công sang sản xuất. Từ khi chuyển đổi mô hình sản xuất này, công ty đã chủ động hơn với khách hàng; doanh thu xuất khẩu của công ty cũng tăng lên, số lượng đơn hàng nhiều hơn, xuất khẩu cũng tăng so với năm 2017. Đến thời điểm này, công ty đã ký được đơn hàng đến hết tháng 5-2019. Còn bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (TX.Dĩ An), cho biết năm 2018, xuất khẩu của công ty tăng khoảng 10% so với năm trước. Lượng đơn hàng của công ty trong năm 2019 dự tính sẽ tăng từ 5 - 7% so với năm 2018.

Tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP

Ngày 30-12-2018 vừa qua, CPTPP bắt đầu có hiệu lực. Theo nhận định của các chuyên gia, khi CPTPP có hiệu lực sẽ tạo cú hích lớn và mang đến động lực phát triển cho các ngành hàng xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt hai ngành dệt may và da giày. Một trong những nội dung quan trọng của CPTPP là xóa bỏ từ 95 - 98% các dòng thuế quan ngay khi hiệp định chính thức có hiệu lực, các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm theo lộ trình 5 - 7 năm. Đây được xem là yếu tố tác động tích cực đến sự phát triển và kim ngạch xuất khẩu của dệt may và da giày trong nước.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, CPTPP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng cũng như thay đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng cân bằng hơn, khi dòng thuế suất bằng 0%, giúp ngành dệt may Việt Nam mở rộng thị phần tại một số nước đang có thuế suất cao như Canada, New Zealand, Australia… Cũng như dệt may, CPTPP là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu da giày tăng tỷ trọng, tăng cơ hội xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng mà Việt Nam chưa có hiệp định thương mại như Mexico, Canada, Peru… Riêng Nhật Bản - một trong những thị trường chủ lực của ngành xuất khẩu da giày, túi xách Việt Nam với mức tăng trưởng trung bình 20 - 35%/năm, nếu doanh nghiệp biết tận dụng chặt chẽ các điều khoản từ CPTPP, mức tăng trưởng này sẽ còn cao hơn so với mức tăng hiện nay.

Tuy nhiên, CPTPP có một yêu cầu khắt khe là nguyên tắc xuất xứ. Đây là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành dệt may, da giày nói riêng, bởi hiện tại ngành công nghiệp phụ trợ hàng dệt may và da giày đang phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước ASEAN.

Theo bà Phan Lê Diễm Trang, với những hiệp định thương mại tư do mà Việt Nam tham gia đã và đang có hiệu lực, năm 2019 hứa hẹn có nhiều đơn hàng dành cho các doanh nghiệp, có thể tăng từ 5 - 8% so với năm trước. Tuy nhiên, dù CPTPP được kỳ vọng cho ngành dệt may trong nước phát triển nhưng hiện các doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây đang là một khó khăn lớn đặt ra đối với các doanh nghiệp dệt may trong nước.

Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết dự kiến cả năm 2018, xuất khẩu của ngành đạt mục tiêu đề ra là 19,5 tỷ USD. Năm 2018, cơ cấu thị trường xuất khẩu của ngành có sự thay đổi rõ rệt. Hiện Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giày dép tới trên 100 nước, trong đó có 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD.

Hiện nay, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về sản lượng xuất khẩu giày dép với khoảng hơn 1 tỷ đôi các loại mỗi năm. Đáng lưu ý, giá xuất khẩu trung bình của thế giới là 9,81 USD/đôi, trong khi đó giá của Việt Nam là 15 USD/đôi, cao gấp 1,6 lần so với giá trung bình của thế giới. Như vậy, chất lượng sản phẩm giày dép của Việt Nam đã được cải thiện và ghi nhận. Tuy nhiên, theo bà Xuân, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19,5 tỷ USD, song đóng góp chủ yếu cho kim ngạch xuất khẩu là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với kim ngạch 13,97 tỷ USD, chiếm 78,8%. “Khoảng cách của doanh nghiệp FDI và trong nước đã thu hẹp, khi doanh nghiệp Việt Nam chiếm tỷ trọng 21,2% so với năm 2017 là 19,4%. Đây là dấu hiệu tốt, khẳng định sự phục hồi của các doanh nghiệp da giày trong nước”, bà Xuân cho biết.  

P.V

 

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên