Sau hơn một năm, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung vẫn không có dấu hiệu "hạ nhiệt", một số tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang tìm cách dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Nintendo đang thực hiện kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất máy chơi game Switch ra khỏi Trung Quốc
Trung Quốc từ lâu đã là "cường quốc" sản xuất của thế giới, các công ty, đặc biệt là những tập đoàn khổng lồ công nghệ như Google, Apple ... đều phụ thuộc vào Trung Quốc để lắp ráp các sản phẩm của họ.
Tuy nhiên, với những hành động và lập trường cứng rắn ngày càng có dấu hiệu gia tăng của Mỹ, các tập đoàn lớn bắt đầu thực hiện những cuộc dịch chuyển sang các nước lân cận.
Theo một báo cáo từ Bloomberg, Google đã tăng dần sự hiện diện ở Đài Loan và hiện đang có kế hoạch chuyển một số nhà máy sản xuất bộ điều nhiệt và phần cứng máy chủ ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan của Mỹ. Tạp chí Phố Wall cũng đưa ra thông tin rằng Nintendo đang chuyển một số nhà máy sản xuất máy chơi game Switch từ Trung Quốc sang một số quốc gia Đông Nam Á.
Mặc dù không xác nhận đang dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhưng đại diện của Nitendo cho biết, hầu hết các thành phần tạo nên giao diện điều khiển Nintendo Switch vẫn được sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng để giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng, công ty sẽ tiến hành lắp ráp các sản phẩm của mình ở gần với nơi sản xuất các linh kiện".
Ngoài Nintendo và Google, các công ty công nghệ khác đã xem xét lại chuỗi cung ứng của họ kể từ khi Nhà Trắng phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc năm ngoái.
Vừa qua, Samsung Huệ Châu, nhà máy sản xuất smartphone cuối cùng của Samsung tại Trung Quốc chuẩn bị đóng cửa trước sức ép cạnh tranh, đặc biệt là sau khi Mỹ đã tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bao gồm các thiết bị điện tử và các sản phẩm linh kiện khác.
Bên cạnh đó, có một số ý kiến cho rằng, các công ty tháo chạy khỏi Trung Quốc một phần do lo ngại nước này tìm cách trả đũa doanh nghiệp Mỹ sau khi Trung Quốc đã phạt liên doanh chính của Ford tại Trung Quốc vì vi phạm chống độc quyền.
Theo giáo sư Joseph Foudy của Đại học New York, một yếu tố khác tác động đến sự dịch chuyển của các doanh nghiệp nước ngoài khỏi Trung Quốc là do tiền lương đang có xu hướng tăng ở Trung Quốc do áp lực lạm phát của quốc gia này gia tăng.
"Việc ứng dụng tự động hóa vào dây chuyền sản xuất ngày càng tăng, càng làm gia tăng việc dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc vì các công ty không còn phải phụ thuộc quá nhiều vào công nhân có tay nghề cao để sản xuất hàng hóa. Thay vào đó, họ ưu tiên tìm các nhân lực hiểu biết về các công nghệ mới như AI, 5G...", ông Foudy nhận định.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc vẫn là một trung tâm sản xuất cực kỳ quan trọng của thế giới. Không chỉ các nhà máy và nhà cung cấp nguyên liệu đều tập trung ở đó mà cơ sở hạ tầng, bao gồm đường sá, cảng, sân bay và lưới điện, vẫn tốt hơn ở nhiều quốc gia khác.
Theo thống kê sơ bộ của nhiều chuyên gia, nếu tính bình quân, các nước Đông Nam Á có tốc độ phát triển chậm hơn Trung Quốc 10 năm về cơ sở hạ tầng, năng lực hậu cần. Nếu nói đến chất lượng lao động và năng lực sản xuất, Trung Quốc hiện vẫn giữ vị trí số một.
Mặt khác, vẫn còn một số yếu tố khác khiến các doanh nghiệp hiện nay chưa chuyển dịch mạnh mẽ sản xuất ra khỏi Trung Quốc, như Trung Quốc là thị trường lớn với dữ liệu người dùng khổng lồ... Hiện nay, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa đến hồi ngã ngũ, và nếu cuộc gặp mặt giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới tại Nhật Bản đạt được một thỏa thuận, các doanh nghiệp công nghệ sẽ tăng khả năng tiếp cận với kho dữ liệu này.
Như vậy, hiện vẫn còn quá sớm để khắng định các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài sẽ dịch chuyển sản xuất hoàn toàn khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu chiến tranh thương mại Mỹ- Trung tiếp tục leo thang mạnh mẽ hơn, thì Trung Quốc sẽ tránh khỏi làn sóng này.
Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp