Các xã, phường tại TP.Thuận An: Chủ động tư vấn cho người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Cập nhật: 21-03-2022 | 07:56:35

 Chuyển đổi số, thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và mức độ 4 là yêu cầu cấp bách, cần thiết, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Xác định rõ điều này, thời gian qua, UBND TP.Thuận An đã có các văn bản chỉ đạo 10 xã, phường triển khai thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về chuyển đổi số.

 Cán bộ “một cửa” phường Hưng Định xem hồ sơ và hướng dẫn người dân thực hiện hồ sơ trực tuyến

 Tư vấn, tuyên truyền

Theo ghi nhận, tại bộ phận “một cửa”, UBND phường Bình Hòa, TP.Thuận An đã thành lập các bộ phận tư vấn, hướng dẫn cho người dân thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) mức độ 3 và mức độ 4. Mặc dù chưa nắm rõ quy trình, nhưng chỉ trong 10 phút được các bạn tình nguyện viên phường Bình Hòa hướng dẫn các thao tác, ông Bùi Duy Khánh, ngụ khu phố Đồng An 2, phường Bình Hòa đã đăng ký được tài khoản và thực hiện hoàn tất việc chứng thực điện tử. Ông Khánh cho biết: “Cán bộ phường hướng dẫn rất chu đáo, tận tình. Cách làm này rất tiện ích cho người dân”.

Ông Huỳnh Anh Tài, Chủ tịch UBND phường Bình Hòa, cho biết để tạo điều kiện cho người dân thực hiện các TTHC mức độ 3, mức độ 4, từ đầu năm 2022, UBND phường đã chỉ đạo thành lập các tổ tư vấn, đầu tư trang thiết bị, máy móc như máy scan, máy vi tính để hỗ trợ người dân thực hiện TTHC, đến ngày 15-3 đã có trên 2.600 hồ sơ phát sinh. Phường đang tiếp tục chú trọng việc cung cấp DVCTT mức độ 3, mức độ 4 cho người dân, tuyên truyền cho người dân hiểu và thực hiện các hồ sơ trực tuyến. Đối với các khó khăn trong thực hiện TTHC mức độ 3, mức độ 4 như sim không chính chủ không đăng ký được, việc thanh toán trực tuyến, phường đang từng bước khắc phục và tiếp tục hướng dẫn người dân thực hiện.

Trên thực tế, tại các phường Lái Thiêu, Thuận Giao, Bình Nhâm, Hưng Định và xã An Sơn đã thành lập các tổ tư vấn, tuyên truyền. Mặc dù khó khăn về con người, nhưng các địa phương này đã huy động các đoàn thể, đoàn viên tình nguyện. Mục đích là tuyên truyền, tư vấn cho từng người dân hiểu tiện ích DVCTT, các TTHC đủ điều thực hiện và quy trình để thực hiện nhằm hạn chế đi lại, tập trung đông người. Bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, cán bộ phụ trách bộ phận “một cửa” phường Thuận Giao, cho biết hiện tại số lượng phát sinh hồ sơ mức độ 3, mức độ 4 còn hạn chế, chỉ khoảng 500 hồ sơ các loại. Hiện nay, bộ phận “một cửa” đang tập trung tuyên truyền để người dân hiểu được tiện ích của DVCTT và thực hiện. “Chúng tôi sẵn sàng tư vấn tận tình cho người dân có nhu cầu đến phường thực hiện”, bà Tuyền cho biết.

Tháo gỡ rào cản, tiến tới đồng bộ hóa

Trong quý I-2022, UBND TP.Thuận An đã tổ chức đánh giá việc thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4. Báo cáo cho thấy việc triển khai DVCTT mức độ 3, mức độ 4 đã được thành phố và các xã, phường bước đầu tổ chức thực hiện có hiệu quả. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố tiếp nhận hơn 1.000 hồ sơ trực tuyến mức độ 3. Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của các xã, phường tiếp nhận hơn 5.000 hồ sơ trực tuyến. Tại buổi họp đánh giá, các phường, xã và các ngành đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, như: Một số người dân chưa quen làm hồ sơ trực tuyến hoặc chưa đồng thuận. Việc thanh toán phí làm hồ sơ trực tuyến còn rắc rối, doanh nghiệp không chấp nhận sao y điện tử; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng. Nhiều nơi còn thiếu chủ động thực hiện do phát sinh hồ sơ hạn chế… Trước những khó khăn này, UBND TP.Thuận An lắng nghe và có những chia sẻ, tìm cách xử lý.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết việc thực hiện DVCTT mức độ 3 và mức độ 4 là yêu cầu cấp bách, cần thiết tiến tới xây dựng chính quyền điện tử. Do đó, TP.Thuận An quyết tâm thực hiện chủ trương chung này. Thành phố yêu cầu các xã, phường nếu gặp vướng mắc cần có giải pháp khắc phục; đồng thời đề nghị các ngành, xã, phường tiếp tục rà soát lại các TTHC để phân loại và thực hiện theo từng mức độ 3 và mức độ 4 cụ thể, phù hợp với thực tế. Cùng với đó, các xã, phường tăng cường đội ngũ tình nguyện viên kịp thời hỗ trợ cho người dân khi đến làm hồ sơ, TTHC; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về lợi ích của việc thực hiện DVCTT. “TP.Thuận An quyết tâm chuyển đổi số trong công tác cải cách hành chính, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, ông Tâm nhấn mạnh.

 TP.Thuận An phấn đấu đến năm 2025, 100% các văn bản, tài liệu (trừ tài liệu mật) chính thức được ký bằng chữ ký số và trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử; 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên mạng thông tin điện tử của thành phố ở mức độ 3 và mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi. Cùng với đó là tiếp tục duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin (ISO điện tử) đến xã, phường theo từng lĩnh vực phù hợp; xây dựng công sở văn minh, sạch đẹp, hiện đại, thân thiện; thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.Thuận An.

 HỒ VĂN - KHẮC TUẤN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=417
Quay lên trên