Từng là cơ sở thu mua mủ cao su nổi tiếng trong vùng và các tỉnh lân cận, Cơ sở nấm sạch Mười Thúy đã bỏ hẳn kinh doanh nghề này để chuyển sang sản xuất nấm sạch nhằm góp phần mang lại bữa ăn ngon và sức khỏe cho người dân. 9 năm qua, Cơ sở nấm sạch Mười Thúy, ấp 1, xã Tân Bình không ngừng phát triển và được thị trường đón nhận.
Thu hoạch nấm tại Cơ sở nấm sạch Mười Thúy. Ảnh: DUY CHÍ
Một chất lượng, một giá
9 năm qua, Cơ sở nấm sạch Mười Thúy luôn duy trì ổn định tiêu chuẩn nấm sạch, chất lượng và chỉ bán một giá, không chờ cơ hội thị trường thiếu hụt để tăng giá. Bà Đoàn Thị Thanh Thúy, chủ cơ sở, chia sẻ gia đình bà từng nổi tiếng với nghề thu mua mủ cao su và được nông dân, khách hàng tín nhiệm. Đó là giá trị, là tài sản vô hình mà gia đình bà tạo dựng trên bước đường làm ăn, nên dù có chuyển nghề nhưng giá trị tài sản vô hình đó vẫn được gia đình bà gìn giữ, phát huy.
Trước khi cơ sở chính thức đưa sản phẩm ra thị trường, gia đình bà Thúy đã nuôi thử một vườn nấm sạch với khoảng 2.000 phôi nấm ban đầu. Khi đã bảo đảm làm chủ kỹ thuật, nắm chắc tỷ lệ và hiệu quả sản xuất, gia đình bà mới đăng ký cơ sở sản xuất và chính thức giới thiệu sản phẩm ra bên ngoài với thương hiệu đã được đăng ký. Dù đã bảo đảm chất lượng, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn đăng ký nhưng cơ sở của bà không chọn cách kiếm lời nhiều bằng việc tăng giá khi thị trường khan hiếm hoặc giảm giá lúc vắng khách. Nhờ biết chia sẻ lợi ích, chia sẻ rủi ro mà sản phẩm cơ sở bà làm ra đều được thị trường, khách hàng tiêu thụ hết.
Làm chủ kỹ thuật mới dễ thành công
Bà Thúy chia sẻ kinh nghiệm, sản xuất nấm phải trải qua nhiều quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, khó khăn. Ban đầu, bà phải bỏ nhiều công sức đi tìm kiếm, lựa chọn nhà cung cấp làm sao vừa có tay nghề tốt vừa phải có tâm, có trách nhiệm với công việc. Qua đó, các thành viên trong gia đình bà tích lũy được kinh nghiệm, bài học để khởi đầu công việc mới.
Khi có các nhà cung cấp tin tưởng, cơ sở của bà chỉ tập trung vào sản xuất và bảo đảm đơn hàng cho khách hàng, bởi vì nấm là nhóm “hàng bông” phải tiêu thụ trong ngày mới bảo đảm chất lượng. Mỗi vườn nấm gia đình bà đã thu hoạch thì từ 7 - 10 ngày sau mới thu hoạch tiếp, nên gia đình bà phải có nhiều vườn và tổ chức sản xuất bám theo đơn hàng. Thường vào các ngày 14, 15 âm lịch và dịp cuối tuần, nhu cầu tiêu thụ nấm trên thị trường khá lớn. Những dịp này, nếu không đáp ứng đủ đơn hàng cơ sở của bà cũng phải bảo đảm 70 - 80% yêu cầu đơn hàng; nếu thấp hơn khách hàng sẽ không đồng ý, chuyển sang mua cơ sở khác gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập, uy tín của cơ sở.
Sau một thời gian hoạt động ổn định, cơ sở của bà chuyển sang sản xuất phôi để tiết giảm chi phí. Đây là khâu đầu trong quá trình sản xuất nấm nhưng là khâu khá quan trọng và tốn nhiều công sức. Nguyên liệu trộn phôi là mạt cưa gỗ cao su sau khi ủ để tạo độ ẩm và loại bỏ tạp chất sẽ qua quá trình hấp (nấu) từ 10 - 12 tiếng đồng hồ, trong đó có 2 tiếng đồng hồ ở nhiệt độ 1000C để tiệt trùng.
Theo bà Thúy, nếu hấp đủ 10 tiếng đồng hồ nhưng nhiệt độ dao động lên xuống bất thường sẽ tạo ra phôi không chất lượng; meo không phát triển đều, tỷ lệ nấm không đạt coi như lỗ. Trong quá trình ủ, hấp giúp loại trừ các mầm bệnh như nấm xanh, nấm hồng có trên cây cao su. Quá trình chăm sóc, người trồng nấm luôn phải bảo đảm vô trùng và vệ sinh môi trường tốt. Mỗi phôi nấm có thể sử dụng được 6 - 7 tháng nhưng tốt nhất nên dừng lại ở tháng thứ 4, vì càng để lâu sản lượng, chất lượng sẽ giảm.
Hiện Cơ sở nấm sạch Mười Thúy đang phát triển hệ thống nhà vườn vì yêu cầu thị trường ngày một nhiều và nhiều nông dân có yêu cầu chuyển giao công nghệ, phát triển mô hình. Cơ sở cũng đang chuẩn bị tiến đến bước cuối cùng là sản xuất men để làm chủ hoàn toàn quy trình sản xuất.
TÔN THẤT SƠN