Cải cách hành chính: Tạo động lực phát triển

Cập nhật: 02-08-2019 | 08:13:04

 Công tác cải cách hành chính (CCHC) thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, các cấp, các ngành đã chủ động triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm theo Kế hoạch CCHC Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020.

 Những mô hình, cách làm hiệu quả  

CCHC tư pháp tốt sẽ góp phần vào công tác CCHC của tỉnh. Xác định rõ điều này, thời gian qua, Sở Tư pháp đang từng bước nâng tầm nhận thức, đổi mới tư duy trong việc nghiên cứu, đề xuất, là cơ quan tham mưu tin cậy của tỉnh về công tác tư pháp. Đến nay, Sở Tư pháp đã có bước phát triển trên tất cả các mặt, đóng góp vào thành tích và sự phát triển của ngành, của địa phương. Trong đó, đáng kể nhất là các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật được đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả như: Mô hình “Giỏ sách pháp luật”, “Ngày hội công nhân với pháp luật”, “Thi tìm hiểu pháp luật trên internet”. Tất cả các lĩnh vực trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp, kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC)... đều đã đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả.


Cán bộ “một cửa” cấp tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở Nội vụ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong việc chung tay xây dựng CCHC. Sở Nội vụ đã tham mưu góp phần kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình Trung tâm Hành chính công, Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại cấp huyện, cấp xã. Đặc biệt, sở đã tham mưu lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt xây dựng các đề án, kế hoạch, chính sách để sắp xếp và tổ chức bộ máy hành chính các cấp và các đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình, hướng đến mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với tình hình của địa phương...

Sở Thông tin và Truyền thông kết hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện tập trung thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin từ tỉnh đến cơ sở, ban hành kiến trúc điện tử theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; công bố, cập nhật danh mục các dịch vụ hành chính công, điều kiện kinh doanh trên cổng thông tin điện tử, trang hành chính công của tỉnh và các trang thông tin cơ quan, đơn vị; phấn đấu 100% TTHC thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp…

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo nhận định của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách TTHC vẫn còn một vài hạn chế như: Người đứng đầu một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc theo dõi, chỉ đạo thực hiện công tác CCHC nên hiệu quả CCHC còn chưa đạt yêu cầu. Một số cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh vẫn còn lúng túng, chậm trễ trong việc thực hiện trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định; vẫn còn xảy ra tình trạng hồ sơ giải quyết quá hạn, trễ hẹn, hoặc trả hồ sơ yêu cầu bổ sung nhiều lần gây phiền hà cho người dân; chỉ số, thứ hạng CCHC của một số địa phương cấp huyện qua các năm tuy được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp. Một số sở, ngành, địa phương cấp huyện chưa triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Việc triển khai ứng dụng chữ ký số trong công tác chưa được thực hiện đồng bộ, nhiều đơn vị chưa thực hiện.

Để tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp CCHC, Ban Pháp chế HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung CCHC theo quy định tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; quán triệt thực hiện nghiêm túc các kết luận, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh CCHC; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong CCHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; kịp thời động viên, khuyến khích, khen thưởng tập thể, cá nhân có những sáng kiến hay, giải pháp tốt, cách làm hiệu quả trong công tác CCHC. Thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố tổ chức triển khai phổ biến, tuyên truyền về kết quả Chỉ số CCHC trong phạm vi cơ quan, đơn vị, địa phương, để nâng cao trách nhiệm của các cấp các ngành, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong CCHC.

Trong các giải pháp của tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để người dân, doanh nghiệp tin tưởng và thực hiện. Cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa những dịch vụ công Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện để các đơn vị có đủ năng lực, được sự cho phép của Trung ương tham gia vào hoạt động cung ứng các dịch vụ công theo quy định.

 HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=538
Quay lên trên