Cần chú trọng ngành công nghệ bán dẫn

Cập nhật: 03-08-2017 | 11:00:40

Các chuyên gia cho rằng xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương cần phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Bình Dương có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân và các doanh nghiệp thông qua việc sử dụng công nghệ làm động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Mô hình cánh tay robot gắp sản phẩm dùng vi điều khiển của sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một Ảnh: HOÀNG PHẠM

Tập trung vào giai đoạn sản xuất hoàn thiện

Theo ông Peter Portheine, Ủy viên Hội đồng vùng Noord Brabant (Hà Lan), Bình Dương cần tập trung vào giai đoạn sản xuất hoàn thiện và có thể xem đây là kịch bản tốt nhất cho giai đoạn ngắn hạn của cụm công nghiệp bán dẫn. Điều này có nghĩa là đầu tư có hạn mức và tỷ lệ việc làm cao; ngoài ra có thể là cơ sở của khu công nghệ cao, khu dân cư mới nằm gần Thành phố mới Bình Dương.

Mặt khác, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán điện tử. Gần đây, Chính phủ đã kêu gọi các ngân hàng thay thế tất cả thẻ ngân hàng với vạch từ bằng thẻ với các chip điện tử giúp cho việc giao dịch tiền an toàn hơn và để ngăn ngừa gian lận. Điều này, cùng với việc thực hiện thu phí đường bộ, vận tải công cộng như vé xe điện ngầm và vé xe buýt sẽ tạo ra nhu cầu lớn về thẻ điện tử trong 5 năm tới tại Việt Nam.

Về phát triển quốc tế, hiện các chip điện tử được sản xuất tại nhiều nơi khác nhau ở các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Tuy vậy, hầu hết các cơ sở sản xuất những bộ phận cho các con chip này có trụ sở tại Thái Lan và Philippines, một số ở Malaysia và Singapore. Thành phố Bangkok của Thái Lan đã rất thành công trong việc thành lập các cơ sở hạ tầng công nghiệp sản xuất sản phẩm giai đoạn cuối cho Công ty NXP (là công ty bán dẫn trước đây thuộc thành phố Eindhoven, Hà Lan, nay thuộc sở hữu của Mỹ) - một trong những công ty chủ chốt của thị trường này. Công ty NXP cùng nhiều công ty khác đang sử dụng khoảng 60.000 lao động tại khu vực Bangkok phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn sản xuất giai đoạn cuối. Ngành công nghiệp bán dẫn đang tìm kiếm địa điểm thay thế cho công đoạn sản xuất giai đoạn cuối qua các nước ASEAN.

Tạo điều kiện cho công nghiệp bán dẫn phát triển

Chiến lược của các nước láng giềng với nước ta trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là giai đoạn kết thúc của chuỗi cung ứng bán dẫn đơn giản hơn. Khi đã quen thuộc với công nghệ và các IC thì họ sẽ đẩy nhanh các chuỗi cung cứng để tránh thất bại.

Theo ông Peter Portheine, dự án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Bình Dương đang được xây dựng, trong đó Bình Dương đang nhắm đến một nhà máy hiện đại sản xuất giai đoạn cuối cho các sản phẩm nhận dạng, bảo mật như thẻ ngân hàng, thẻ ID…. Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ hợp tác chặt chẽ với Công ty NXP và các công ty bán dẫn khác...

Để thực hiện dự án này, ông Peter Portheine cho rằng bước đầu tiên Bình Dương cần làm là xây dựng giai đoạn khởi tạo dự án vững chắc trên thị trường bán dẫn ở phía Nam Việt Nam; bên cạnh đó các khía cạnh kỹ thuật tổ chức và tài chính của hoạt động được dự tính và phân tích rủi ro với cơ sở vững chắc. Điều này sẽ dẫn đến một kế hoạch hành động toàn diện để xây dựng, quản lý và khai thác các cơ sở này, bao gồm những thị trường mục tiêu, lựa chọn công nghệ, khách hàng tiềm năng và nhà đầu tư. Các giai đoạn khởi tạo dự án sẽ cung cấp một cái nhìn sâu sắc, rõ ràng trong thị trường bán dẫn đầy tiềm năng tại Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng.

 

 PHƯƠNG LÊ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên