Cần có cơ chế về phân bổ biên chế phù hợp với đặc thù địa phương

Cập nhật: 22-09-2022 | 11:30:42

Thời gian qua, Bình Dương đã có nhiều đổi mới trong tổ chức bộ máy, biên chế, tinh giản biên chế. Mặc dù là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp mạnh mẽ nhưng so với 63 tỉnh, thành trong cả nước, Bình Dương được Bộ Nội vụ giao biên chế thấp, đứng thứ 52/63 tỉnh, thành cả nước. Trong điều kiện đó, toàn hệ thống chính trị của tỉnh đã nỗ lực, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ.

Tinh gọn bộ máy

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết giai đoạn từ ngày 30-6-2017 đến 31-12-2020, thực hiện sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương, tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh có 18 sở và 2 Ban Quản lý các khu công nghiệp với 16 chi cục và 154 phòng được rà soát sắp xếp lại. Kết quả, tỉnh vẫn duy trì 18 sở, 1 Ban Quản lý các khu công nghiệp (giảm 1 ban) với cơ cấu tổ chức bên trong gồm 13 chi cục và 115 phòng (giảm 39 phòng).

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh tiếp tục giảm còn 11 chi cục và 109 phòng (giảm 6 phòng thuộc sở). Số phòng thuộc chi cục từ 42 phòng giảm còn 32 phòng (giảm 10 phòng thuộc chi cục). Đối với cơ quan chuyên môn cấp huyện, vẫn duy trì tổ chức 12 phòng thống nhất ở tất cả 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Hàng ngày, cán bộ của Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.Thủ Dầu Một phải giải quyết trên 100 bộ hồ sơ cho người dân, áp lực công việc rất lớn

Tổng số biên chế công chức cấp tỉnh, cấp huyện của Bình Dương được Chính phủ giao năm 2015 là 1.986 biên chế; năm 2022 còn 1.711 biên chế (tinh giản 10% biên chế theo quy định). Tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được Bộ Nội vụ thẩm định năm 2015 là 24.614 người, năm 2022 là 21.852 người, giảm 2.762 người (tỷ lệ 11.22%). So với số biên chế được HĐND tỉnh phê duyệt đáp ứng nhu cầu thực tế của tỉnh năm 2015 là 24.614 người, năm 2021 là 22.437 người, tinh giản 2.177 người (tỷ lệ 8,84%). Số biên chế tinh giản chủ yếu ở lĩnh vực y tế và giáo dục do chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính. Về tinh giản theo chế độ chính sách cho cán bộ, công chức (CBCC), viên chức cấp tỉnh, cấp huyện từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã giải quyết tinh giản cho 950 trường hợp, trong đó cơ quan hành chính là 164 trường hợp, đơn vị sự nghiệp là 786 trường hợp.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, thời gian qua tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa nhiều ngành, lĩnh vực, huy động các nguồn lực của xã hội vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó chủ yếu thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công trong ngành giáo dục - đào tạo và y tế để thu hút thêm nhiều nguồn lực tham gia và đã đạt nhiều kết quả quan trọng tích cực, góp phần giảm áp lực cho hệ thống công lập. Ngành y tế chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực xã hội hóa y tế. Sử dụng nhiều kênh thông tin để kêu gọi xã hội hóa khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu và lĩnh vực dự phòng; đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành danh mục dự án, công trình y tế kêu gọi xã hội hóa. Từ đó, giảm áp lực cho công tác tinh gọn bộ máy.

Những kiến nghị, đề xuất

Tại buổi làm việc mới đây với đoàn công tác Bộ Nội vụ, lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị, thành phố của tỉnh đã kiến nghị với Bộ Nội vụ quan tâm nhiều đến tính đặc thù của từng địa phương, nhất là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp mạnh mẽ.

Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, kiến nghị xem xét cơ sở phân bổ CBCC không nên “cào bằng” giữa các địa phương. Theo ông, việc phân bổ phải dựa theo dân số; tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời kiến nghị Trung ương sớm áp dụng chính sách cải cách tiền lương để cải thiện đời sống, động viên tinh thần cho CBCC, viên chức. Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên cũng cho rằng, việc phân bổ viên chức cho ngành y tế và giáo dục chưa đủ đáp ứng so với nhu cầu thực tiễn; cần phân bổ biên chế căn cứ theo giường bệnh, quy mô trường lớp. Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể để trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện tự chủ.

Ông Lai Xuân Đạt, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng Bình Dương đóng góp ngân sách trong TOP 5, thu hút đầu tư nằm trong TOP 3, dân số đứng thứ 6 cả nước nhưng số lượng biên chế quá thấp. Mặt khác, các địa phương ở Bình Dương đang triển khai nâng cao các chỉ số về chuyển đổi số, cải cách hành chính đòi hỏi công việc xử lý phải nhanh, chính xác nhưng số lượng biên chế ít như vậy sẽ tạo áp lực rất lớn cho lực lượng CBCC. Do đó, ông đề xuất Bộ Nội vụ xét biên chế dựa trên tiêu chí dân số, sự đóng góp của địa phương đối với quốc gia, sự phát triển của địa phương; khối lượng công việc, nhiệm vụ được giao.

Tại buổi làm việc, ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) đã ghi nhận các kiến nghị. Ông Nam cũng chia sẻ các khó khăn về biên chế của ngành y tế, giáo dục của Bình Dương hiện nay, nhất là khi số trường học, giường bệnh không ngừng gia tăng trên địa bàn tỉnh. Ông cho biết, sắp tới Bộ Nội vụ sẽ đề xuất Chính phủ nghiên cứu cơ chế về biên chế đối với các tỉnh tự chủ về ngân sách, trao quyền tự chủ cho địa phương trong sử dụng biên chế. Bình Dương và các địa phương căn cứ vào thực tiễn từ cơ sở để đề xuất cách thức thực hiện và tỷ lệ biên chế phù hợp… 

Tại Bình Dương, với dân số tăng nhanh, hiện có trên 2,6 triệu người, cần xem xét tăng biên chế cho địa phương, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục. Bởi thực tế trong 10 năm gần đây, dân số Bình Dương tăng trên 1 triệu người nhưng số biên chế cho y tế, giáo dục lại giảm. Từ đó, tạo nhiều áp lực chung cho địa phương. Ngoài ra, một số đơn vị cấp xã có đến 100.000 nhân khẩu nhưng số biên chế vẫn như các đơn vị cấp xã có 10.000 nhân khẩu hoặc ít hơn là không hợp lý...

HỒ VĂN - KHẮC TUẤN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=458
Quay lên trên