Cần có thuốc “đặc trị” bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm - Kỳ cuối

Cập nhật: 17-11-2023 | 14:19:00

Kỳ cuối: “Kê toa” để trị dứt điểm

(BDO) Nhận thấy tính chất nghiêm trọng, mức độ nguy hại trong tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, nhân viên, Bình Dương chủ động “kê toa” để trị căn bệnh này. Tỉnh tập trung đổi mới cách làm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân và đề cao vai trò tự chịu trách nhiệm “làm tròn vai” của cán bộ quản lý.  

“Bất kỳ ai, ở địa vị nào đều phải có tinh thần trách nhiệm”

Sau hơn 27 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã và đang chuyển mình trở thành một tỉnh phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ năng động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. Thành quả này là kết tinh của tư duy sáng tạo, tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và của từng cán bộ, nhân viên trong tỉnh. 


Bác sĩ phẫu thuật mắt cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế TP.Tân Uyên 

Nhìn lại quá trình phát triển kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh cho thấy, việc nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa to lớn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế. Những vấn đề tiêu cực của toàn cầu hóa, của cơ chế kinh tế thị trường khách quan đã tác động vào tư tưởng cán bộ, đảng viên, kích thích chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng làm “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”. 

“Trong bối cảnh Bình Dương và cả nước đang ra sức thực hiện công cuộc đổi mới, việc tiếp tục “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo chuyên đề “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” để mỗi cán bộ, đảng viên khắc sâu lời Bác dạy: “Mỗi đảng viên, cán bộ phải thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, bà Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương nhìn nhận.      

Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm của mỗi người trước hết thể hiện trong quan hệ với nhiệm vụ được giao, công việc phải làm. Người khái quát: “Tinh thần trách nhiệm là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công”. 

Người nhấn mạnh: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”. Bệnh sợ trách nhiệm cũng giống như bệnh chủ nghĩa cá nhân quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư, tự lợi, “không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân” nên “làm cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy...”.

Người còn căn dặn: “Sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có ưu điểm gì nên nhớ, kinh nghiệm gì quý đáng ghi”. Thái độ làm cho “xong việc”, hết giờ “không chịu tự phê bình thì không bao giờ tấn tới được”. 

Chia sẻ về công tác cán bộ trong tình hình hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Đình Phong, Phó khoa Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị khu vực II chia sẻ: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”. Vì vậy, Người coi “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Thực ra tinh thần này vẫn xuyên suốt từ trước tới nay. 

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, do tác động bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó ảnh hưởng của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và tác phong ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đã dẫn đến tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm. Bên cạnh đó là sự chồng chéo, xung đột trong hệ thống các văn bản pháp luật. 

“Điều này đã được các cán bộ thực thi, các đại biểu của nhân dân chỉ ra và Bình Dương cũng không nằm ngoài những nguyên nhân đó. Đây là một khó khăn cho cán bộ khi tổ chức thực thi các chính sách, pháp luật. 

Thêm nữa, trong điều kiện lương, thưởng ở khu vực công không cao, công việc nhiều, trách nhiệm cao, có thể có những rủi ro tiềm ẩn nên không ít những cán bộ hoặc là né tránh, đùn đẩy cho người khác, hoặc là thoái lui”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Phong nói.  


Y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương phẫu thuật cho người bệnh

“Thuốc” trị tâm lý sợ trách nhiệm của Bình Dương

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, trên địa bàn tỉnh đã có lúc, có nơi một bộ phận cán bộ, nhân viên còn tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm nên có suy nghĩ làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều, không làm không sai dẫn đến hình sự hóa các thủ tục hành chính, triển khai các nhiệm vụ cầm chừng. Có ngành triển khai đăng ký nhu cầu mua sắm cho các đơn vị trong năm 2023 nhưng khi tổng hợp xong lại có công văn trì hoãn vì lý do chưa có văn bản hướng dẫn hoặc đang lấy ý kiến các bên liên quan. 

Nhận thấy mức độ nguy hại trong tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của bộ phận cán bộ, nhân viên, tỉnh chủ động “kê toa” để trị căn bệnh này. Trước tiên, UBND tỉnh quán triệt đến từng đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19-4-2023, kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc. 

Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ và đề cao vai trò tự chịu trách nhiệm “làm tròn vai” của cán bộ quản lý. Chính việc cụ thể hóa quyền hạn và đề cao tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị đã giúp Bình Dương tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách với những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn.  

Trên tinh thần này, Bình Dương chủ động triển khai nhiều cách làm mới, đẩy mạnh rà soát, kiểm tra đột xuất hoạt động công vụ, thành lập các tổ, các ban chỉ đạo chuyên giải quyết các khó khăn, vướng mắc. 

Đơn cử, qua rà soát, toàn tỉnh có 28 dự án bất động sản đang gặp khó, chậm triển khai đã làm giảm hiệu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch. Ngay sau đó, Tổ chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc và Ban Chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp ra đời. Từng thành viên của Tổ là những lãnh đạo của các sở, ngành đều “xắn tay” gỡ khó và đề xuất giải quyết vấn đề ngoài thẩm quyền đối với những quy định chồng chéo, bất cập, gây cản trở sự phát triển. 

Cũng với tinh thần đó, ngành y tế rà soát các khâu nhằm không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, tập trung dồn lực xử lý vấn đề thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế. Sở Y tế sắp xếp, tổ chức lại đơn vị mua thuốc tập trung, tiến hành điều tiết thuốc giữa các cơ sở y tế trong tỉnh, cũng như xin điều tiết thuốc từ các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc thông qua Trung tâm mua sắm thuốc Quốc gia. Trong giai đoạn chuẩn bị đấu thầu tập trung cấp địa phương, sở tăng cường chỉ đạo các đơn vị tự tổ chức đấu thầu mua sắm các thuốc đang thiếu, đẩy mạnh tập huấn đấu thầu cho nhân viên phụ trách. 

“Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm mà gần đây là Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Cán bộ là người nắm rõ chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật mà có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm thì làm sao có thể đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với dân?. Cán bộ mà không có tinh thần 6 dám (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung) thì ai có thể làm chính sách, đưa chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân?. Ai có thể giúp Đảng, Nhà nước trực tiếp nhìn nhận cái mới, cái khó, cái hạn chế, chưa hoàn thiện của các chính sách để khắc phục, đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của nhân dân, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?”.

(Tiến sĩ Nguyễn Đình Phong, Phó khoa Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị khu vực II).

 Nhóm P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=238
Quay lên trên