Cần có “thuốc đặc trị” ô nhiễm tiếng ồn - Bài cuối

Cập nhật: 19-03-2021 | 07:59:20

Bài cuối: Trả lại không gian yên tĩnh cho người dân

 Hiện nay, Bình Dương đang tập trung xây dựng địa phương theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, vì thế tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ loa di động đã và đang gây ảnh hưởng không ít đến việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng đời sống văn hóa ở nhiều khu dân cư. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chính quyền quyết tâm thì sẽ dẹp bỏ được tình trạng này.

 Nhiều người cho rằng cần có biện pháp xử lý mạnh tay với các hoạt động hát karaoke tự phát gây ồn ào để trả lại không gian yên tĩnh cho người dân

 Chủ yếu vẫn là nhắc nhở

Quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi đã liên hệ với một số địa phương để tìm hiểu thêm về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn và cách xử lý trong thời gian qua. Lãnh đạo một số địa phương cho biết, tình trạng hát karaoke tự phát, người buôn bán hàng rong và cả ở chợ có mở loa di động gây ồn ào là thực tế đang diễn ra; hầu như địa phương nào cũng có, không ít thì nhiều. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm về tiếng ồn cũng gặp không ít khó khăn vì nó liên quan đến việc đo cường độ tiếng ồn có vượt quá quy chuẩn hay không mới xử lý được. Trong khi đó, lực lượng của địa phương để làm việc này còn thiếu và chưa đủ phương tiện chuyên dụng để thực hiện. Đó là chưa kể nhiều khi nắm bắt thông tin xong đến khi xuống hiện trường thì người dân đã tắt máy, không hát nữa nên cũng rất khó xác định. Vì thế, việc xử lý tình trạng này trong thời gian qua chủ yếu là nhắc nhở, tuyên truyền cho người dân khi hát karaoke không nên mở quá lớn gây ồn ào, không hát quá giờ quy định.

Ông Tạ Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một cho biết, đối với những người buôn bán hàng rong có sử dụng loa phát thanh lấn chiếm hành lang, lòng lề đường, hát karaoke loa kẹo kéo gây ồn ào nơi công cộng, lực lượng chức năng phường cũng đi kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ tạm giữ phương tiện, mời về phường làm việc và cho ký cam kết không tái phạm. Nếu họ tái phạm sẽ bị tịch thu phương tiện, vi phạm từ 3 lần trở lên sẽ xử phạt theo mức quy định. Còn tình trạng hát karaoke tự phát trong khu dân cư, khu nhà trọ, các ban ngành, đoàn thể ở địa phương cũng phối hợp với chủ nhà trọ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một cho rằng tình trạng hát karaoke tự phát trên địa bàn phường cũng có nhưng ít, chủ yếu ở một số nhà trọ có công nhân lao động. Khi người dân phản ánh, lực lượng chức năng địa phương sẽ kết hợp với khu phố xuống nhắc nhở người hát mở nhỏ để bà con nghỉ ngơi. “Có khi đến nhắc nhở, một số người nói chưa quá giờ quy định nên vẫn hát. Nhưng nhìn chung qua tuyên truyền, nhắc nhở, đa số người dân chấp hành”, ông Lưu nói.

Cần có biện pháp xử lý đồng bộ

Liên quan đến vấn đề quản lý tình trạng hát karaoke tự phát, ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các điểm kinh doanh hoạt động karaoke được cấp phép (có địa điểm kinh doanh cụ thể, có phòng hát bảo đảm theo quy định, tuân thủ giờ giấc hoạt động...) theo quy định. Còn tình trạng hát karaoke bằng loa di động, loa kẹo kéo là hoạt động tự phát và trên thực tế tình trạng này đã gây ảnh hưởng không ít đến cuộc sống sinh hoạt, giờ giấc nghỉ ngơi của người dân, cũng như ảnh hưởng đến việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị ở các địa phương.

Trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nghị định về việc xử lý vi phạm hành chính về tiếng ồn, như: Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định số 167/2013/ NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Các địa phương cũng đang áp dụng các nghị định này để xử lý các trường hợp vi phạm về tiếng ồn. Tại Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định, hành vi hát karaoke gây ồn ào vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư... Phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi: Dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người dân, mức xử phạt này so với tình hình hiện nay đã trở nên bất cập, khó tạo được sự răn đe. Vì thế, có người hát karaoke quá giờ quy định gây ồn ào bị lập biên bản xử lý cũng chấp hành đóng phạt, xong ít hôm lại bày ra hát tiếp. Thực tế, từ chuyện hát karaoke tự phát trong thời gian qua cũng đã xảy ra nhiều hệ lụy đáng tiếc. Ở một số tỉnh, thành, vì hát karaoke tự phát mà có nhiều vụ xích mích, gây gổ, thậm chí đâm chém nhau dẫn đến chết người. Ở Bình Dương, việc xảy ra mâu thuẫn, xích mích giữa người hát với người nghe, giữa hàng xóm với nhau trên thực tế đã xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu dân cư. Tuyên truyền, nhắc nhở là cần thiết, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó và mức xử phạt chưa đủ sức răn đe thì rất khó để người ta nhường nhau một khi “máu hát đã nổi lên rồi”.

Vì một Bình Dương văn minh, hiện đại, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn với nạn karaoke tự phát gây ồn ào bằng những biện pháp mang tính răn đe hơn, mạnh tay hơn để hạn chế, tiến tới dẹp bỏ tình trạng này, qua đó trả lại không gian yên tĩnh cho người dân.

Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Đối với tình trạng vi phạm tiếng ồn từ hát karaoke bằng loa kéo di động, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần nghiên cứu thêm các quy định và tình hình thực tế tại địa phương để đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp, kiên quyết hơn. Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được mức độ ảnh hưởng của hành vi vi phạm tiếng ồn. Đồng thời các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức người dân gắn với xây dựng gia đình văn hóa, khu - ấp văn hóa, chuẩn văn hóa văn minh đô thị... Ngoài ra, cần đưa vào quy ước để người dân cam kết chấp hành, nâng cao tính tự giác, tự nguyện trên nguyên tắc ứng xử văn minh, tôn trọng lẫn nhau. Cùng với đó, cần tăng mức xử phạt tiền đối với hành vi hát karaoke gây tiếng ồn lớn làm ảnh hưởng đến người dân tại các khu dân cư, nơi công cộng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An: Chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt để vận động, tiến tới chấm dứt không còn tình trạng người dân sử dụng loa kẹo kéo hát gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sinh hoạt, ảnh hưởng đến tinh thần của người dân cũng như ảnh hưởng đến an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị ở địa phương.

Giải pháp mà địa phương sẽ tập trung thực hiện đó là vừa tuyên truyền vận động, vừa kiểm tra, nhắc nhở, vừa xử lý càng ngày càng mạnh hơn, mang tính răn đe nhiều hơn; đồng thời phát động phong trào toàn dân tham gia cung cấp, phản ánh thông tin cho lực lượng chức năng, chính quyền địa phương để kịp thời xử lý.

Bà Nguyễn Thị Nhung, người dân phường Đông Hòa, TP.Dĩ An: Tôi được biết, mới đây TP.Hồ Chí Minh đã có chủ trương cấm hoạt động này rồi. Qua thông tin, tôi cũng biết ở một số tỉnh, thành khác có trường hợp vì hát karaoke loa kẹo kéo gây ồn ào dẫn đến xô xát, chết người. Là một người dân, tôi rất tha thiết, rất mong tỉnh mình cũng sớm chấn chỉnh tình trạng hát karaoke loa kéo gây ồn ào này.

 HỒNG THUẬN  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=823
Quay lên trên