Cần giải pháp hiệu quả kiềm chế tăng giá

Cập nhật: 06-06-2018 | 22:05:33

Mặc dù nguồn cung cấp rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống trên thị trường vẫn dồi dào, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, song áp lực tăng giá một số nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới đã tác động vào giá hàng hóa trong nước, khiến nhiều người lo ngại sẽ đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tiếp tục tăng.

 Việc kiểm soát tốt CPI tháng 6 có vai trò quan trọng đối với việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm nay. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Lotte Bình Dương. Ảnh: TRÚC HUỲNH

 Giá nhiều mặt hàng ăn uống tăng

Ghi nhận cho thấy, giá các mặt hàng ăn uống tăng thấy rõ nhất là ở các quán cơm bình dân, nơi tập trung người lao động trên địa bàn tỉnh đến ăn. Anh Đức, nhân viên lái xe của một chi nhánh ngân hàng tại TP.Thủ Dầu Một cho biết, giữa tháng 4 vừa qua một đĩa cơm cá lóc, có canh trên địa bàn thành phố giá chỉ khoảng 25.000 đồng, nay đã tăng lên 30.000 đồng, mà cá, rau ít lại hơn. Còn tại một quán cơm chay trên địa bàn, 2 tháng trước giá 15.000 đồng/đĩa nay tăng lên 18.000 đồng/đĩa, thức ăn cũng ít hơn, nếu khách cần thêm cơm thì phải trả thêm 2.000 đồng. Các quán phở, bún, hủ tiếu mì, cháo, cơm tấm bình dân trên địa bàn cũng tăng giá khá mạnh, từ 20 - 30%; trước đây mỗi tô bún thịt nướng, bún riêu có giá từ 20.000 - 25.000 đồng nay tăng lên 25.000 - 30.000 đồng.

Theo chị Lanh, chủ quán bún riêu ở đường Nguyễn Văn Lộng, phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, giá thịt heo hơi từ giữa tháng 4 đến nay tăng 5.000 đồng/ kg, hiện ở mức từ 49.000 - 51.000 đồng/kg, đã đẩy giá giò heo tăng lên thêm 15.000 - 20.000 đồng/ kg; rau thơm, rau muống cũng tăng thêm 5.000 đồng/kg, chưa kể các loại gia vị. Cứ mỗi thứ tăng một vài ngàn đồng/kg nên giá bán chị phải điều chỉnh tăng thêm 5.000 đồng/tô, từ 20.000 đồng lên 25.000 đồng/tô để bù chi phí.

Chị Nguyễn Thị Huyền, ở phường Chánh Mỹ chia sẻ, gia đình chị có 4 người, vài tháng trước mỗi tháng tiền mua gạo hết 350.000 đồng, tiền chợ 200.000 đồng/ngày, nay tiền mua gạo đã tăng lên 400.000 đồng/tháng, còn tiền đi chợ tăng lên 250.000 đồng/ngày mới bảo đảm được cuộc sống hàng ngày của cả gia đình. Trong khi đó, giá các dịch vụ như gas, nước, xăng… đều tăng lên, do vậy hiện nay mỗi tháng gia đình chị phải chi tới 11 triệu đồng mới đủ chi phí.

Kiềm chế hiệu quả đà tăng giá

Không chỉ có Bình Dương, mặt bằng giá cả hàng hóa, dịch vụ đang diễn biến theo xu hướng tăng ở nhiều tỉnh, thành khác. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI tháng 5 tăng 0,55% so với tháng trước. Tháng 5 cũng là tháng có CPI tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, mặt bằng giá cả thị trường trong 5 tháng đầu năm biến động theo hướng tăng tương đối cao trong 2 tháng đầu năm, giảm nhẹ trong tháng 3 và tăng dần trở lại trong 2 tháng tiếp theo. CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Tuấn, các nguyên nhân CPI trong tháng 4 và tháng 5-2018 tăng về cơ bản hầu như không có yếu tố tăng giá mới xuất phát từ công tác điều hành giá của Chính phủ, mà chủ yếu xuất phát từ yếu tố thị trường. Cụ thể như giá một số nhiên liệu, nhất là giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao hơn dự báo trên thị trường thế giới, dẫn đến việc cơ quan chức năng phải điều chỉnh tăng giá trong nước; giá lương thực tăng do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng; cùng với đó giá thịt heo có xu hướng hồi phục do tổng lượng đàn giảm, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa kịp tái đàn, đẩy giá thịt heo hơi đang ở mức gấp đôi giá so với cùng kỳ năm trước; còn giá gas tăng theo diễn biến giá thế giới… Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các yếu tố giúp kiềm chế tốc độ tăng CPI về cơ bản không có nhiều thay đổi so với dự báo đầu năm.

Về khả năng bảo đảm kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu nước ta đề ra từ đầu năm 2018, ông Tuấn nhìn nhận, thị trường vẫn tiềm ẩn các nhân tố tác động gây bất lợi đến mục tiêu kiểm soát lạm phát xuất phát chủ yếu từ yếu tố thị trường. Đó là áp lực tăng giá một số nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tác động vào giá trong nước qua kênh nhập khẩu, trong đó đáng chú ý là biến động phức tạp của giá xăng dầu trong thời gian gần đây. Cùng với đó là những hậu quả của thiên tai, dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp, khó lường.

Với kinh nghiệm điều tiết giá năm 2017, ông Tuấn cho rằng, để kiểm soát CPI trong năm 2018, kiềm chế hiệu quả đà tăng giá, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước cần chú trọng công tác dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá chi tiết cho từng mặt hàng Nhà nước quản lý với bước đi thận trọng và lộ trình thích hợp, bảo đảm không tác động đột biến tới mặt bằng giá chung. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu; làm tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng (cả tiêu dùng cho sản xuất và tiêu dùng cho đời sống), trong mọi tình huống, ở mọi vùng miền, mọi thời điểm…

 Trong tháng 5-2018, có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước; trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất (1,72%), chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 8-5-2018 và 23-5- 2018 (tác động làm CPI chung tăng 0,16%). Lạm phát cơ bản tháng 5-2018 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=196
Quay lên trên