Tín dụng Phát triển nông nghiệp nông thôn:

Cần sớm hoàn thiện chính sách

Cập nhật: 07-03-2017 | 10:57:55

Trong bối cảnh lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh chỉ còn chiếm 4,5% trong tổng cơ cấu kinh tế thì tốc độ tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (NNNT) năm 2016 đạt 16,66% đã thể hiện sự nỗ lực lớn của các ngân hàng tại Bình Dương. Để đầu tư tín dụng cho NNNT trong tỉnh đạt kết quả cao trong thời gian tới đang đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp nghiên cứu hoàn thiện về cơ chế, chính sách liên quan.

Nỗ lực cung tín dụng cho NNNT

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Dương, năm 2016 hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đạt 123.629 tỷ đồng, tăng 29,9% so với năm 2015. Trong đó, tín dụng phục vụ phát triển NNNT và tín dụng theo các chương trình kinh tế đạt dư nợ 20.594 tỷ đồng, tăng 3,5%, với 116.213 khách hàng vay.

Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, cần sớm hoàn thiện và sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến tín dụng NNNT để nguồn vốn vay này phát huy tốt nhất hiệu quả. Trong ảnh: Mô hình nuôi cá nước ngọt ở xã Tam Lập, huyện Phú Giáo phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Ảnh: THANH HỒNG

Đóng góp vào kết quả nói trên có sự góp sức tích cực của các TCTD trên địa bàn tỉnh. Nếu như trước năm 2010, chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đóng vai trò chính trong việc cấp tín dụng phục vụ NNNT (theo Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ), sau khi Nghị định 41 của Chính phủ ra đời, các TCTD, tổ chức tài chính quy mô nhỏ, các ngân hàng, tổ chức tài chính của Chính phủ đều tham gia cho vay NNNT; thậm chí chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng tham gia cho vay. Tuy vậy, Agribank vẫn là ngân hàng có tỷ trọng dư nợ cho vay cao nhất của cả nước. Tại Agribank Chi nhánh Bình Dương, đến cuối năm 2016 dư nợ cho vay lĩnh vực này là 3.669 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2015,  chiếm  gần  30%  trong tổng dư nợ. Trong năm qua, các TCTD đã cho 110.809 hộ, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vay theo các chương trình tín dụng kinh tế.Như vậy, bên cạnh dòng vốn tín dụng tập trung vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế thì tốc độ tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực NNNT trong năm 2016 thể hiện nhiều nỗ lực hướng về phục vụ NNNT của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Sớm tháo gỡ  vướng mắc

Thời  gian  qua, Agribank Bình  Dương  đã  triển  khai thực hiện tốt cho vay vốn đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ đến doanh nghiệp, hợp tác xã. Từ nguồn vốn vay này, nhiều chủ trang trại, hộ gia đình trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Điển hình như mô hình trang trại bưởi da xanh của bà Nguyễn Thanh  Thủy,  ở  xã  Long Nguyên, huyện Bàu Bàng. Là trang trại được hưởng ưu đãi từ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công  nghệ  cao,  bà  Nguyễn Thanh  Thủy,  chủ  trang  trại chia sẻ, trang trại được vay vốn ưu đãi phát triển NNNT với lãi vay 0,75%/tháng. Cuối năm 2016, trang trại cần vốn để mở rộng phát triển vườn bưởi và điền trang, bà đã được hướng dẫn làm các thủ tục vay vốn tại Agribank Bình Dương. Với số tiền vay ngân hàng 10 tỷ đồng, bà Thủy tiếp tục đầu tư mở rộng gần 20 ha đất để trồng bưởi, ổi, rau sạch...

Bà Thủy cho biết, nguồn vốn phục vụ phát triển NNNT thực sự cần thiết đối với người nông  dân  để  phát  triển  sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế. Bà hy vọng nguồn vốn tín dụng ưu đãi sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả giúp người nông dân thuận lợi trong tìm vốn, phát triển quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị kinh tế cây trồng... Tuy vậy, ông Lê Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Lập, huyện Phú Giáo cho rằng, hộ nông dân và người dân nông hôn rất cần vốn để thay đổi quy trình sản xuất nhằm cung cấp sản phẩm nông sản chất lượng cao. Chẳng hạn như đầu tư một trang trại sản xuất rau sạch hay trồng cây có múi thì cần có nhà lưới, công nghệ tưới hiện đại... Để đầu tư được như thế đòi hỏi số vốn lớn, nhưng khi cần vay vốn thì ngân hàng yêu cầu người vay cung cấp hóa đơn, chứng từ nên người muốn vay vẫn còn e ngại.

Theo  đại  diện  Agribank Bình Dương, vấn đề định giá tài sản bảo đảm hiện đang bị vướng, trong quy định thì việc định giá đất nông nghiệp phải theo quy định. Như vậy, giá trị định giá sẽ rất thấp so với giá thị trường khi ngân hàng thẩm định cho vay nên khó có thể đáp ứng vốn vay đủ theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh của  khách  hàng. Hoặc như trường hợp khách hàng vay vốn không có tài sản bảo đảm thì chỉ cần nộp cho TCTD giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không phải làm thủ tục thế chấp. Trường hợp khi có tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất này hoặc khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng không được quyền phát mãi tài sản.

Những nỗ lực của hệ thống ngân  hàng  trong  việc  triển khai các chính sách tín dụng hướng  nguồn  vốn  vào  lĩnh vực NNNT thời gian qua là việc làm rất được người dân đồng tình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chính sách tín dụng trong lĩnh vực này vẫn chưa đáp  ứng  hết  được  nhu  cầu phát triển NNNT. Theo kiến nghị  của  đại  diện  Agribank Bình Dương, cần phải có quy hoạch tổng thể thống nhất đối với vùng sản xuất hàng hóa tập trung; khuyến khích và ưu đãi các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đến đầu tư các dự án sử dụng nguyên liệu tại chỗ nhằm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Cùng với đó, cần đẩy nhanh chuyển giao công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật; có chính sách phù hợp để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nông dân... Như vậy, sự đồng hành giữa chính quyền, người sản xuất và nguồn vốn ngân hàng sẽ gắn chặt và đem lại hiệu quả cao hơn.

THANH HỒNG

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên