Cẩn thận với bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng ở trẻ em

Cập nhật: 18-08-2018 | 09:02:43

Mùa mưa, nước ứ đọng nhiều nơi là môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) có điều kiện sinh sản, phát triển nhanh. Đây là thời điểm cao điểm của bệnh SXH. Bệnh SXH hiện nay đang có xu hướng gia tăng ở trẻ em. Các bác sĩ khuyến cáo, cách phòng chống bệnh SXH cho trẻ nhỏ tốt nhất vẫn là: Phòng bệnh hơn chữa bệnh.

 Trẻ em đến khám sức khỏe tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Sốt xuất huyết đang tăng

Đến Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh những ngày này mới thấy, lượng trẻ mắc bệnh SXH rất nhiều. Hiện tại, mỗi ngày Khoa Nhi có khoảng 40 trẻ mắc SXH điều trị nội trú. Theo nhận định của các bác sĩ điều trị ở đây, con số này đang có xu hướng ngày càng tăng và tập trung nhiều ở nhóm trẻ từ 10 - 15 tuổi.

Điều đáng lưu ý là, trong số những ca bệnh SXH đang điều trị nội trú có khá nhiều ca nặng, phải điều trị tích cực và chăm sóc đặc biệt tại đơn nguyên Cấp cứu của Khoa Nhi. Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, những ca trẻ em bị SXH nhập viện khi bệnh đã trở nặng phần lớn do người nhà đưa cháu đến bệnh viện trễ, một vài ca nặng từ bệnh viện tư chuyển đến. “Những ca bệnh này thường do người nhà chủ quan, tự mua thuốc cho trẻ uống, hoặc người nhà không tuân thủ tái khám mỗi ngày theo dặn dò của bác sĩ khi cháu được điều trị ngoại trú. Vì vậy, nhiều cháu được đưa đến bệnh viện trong tình trạng bệnh đã trở nặng”, bác sĩ Minh Nguyệt nói. Chẳng hạn như cháu Nguyễn Văn X. 12 tuổi được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng mệt, tay chân lạnh, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, gan to, ấn đau vùng gan. Mẹ cháu cho biết, cháu sốt 5 ngày liên tục, thấy cháu tỉnh táo nên người nhà mua thuốc tây cho cháu uống mỗi ngày. Sau đó, thấy cháu mệt nhiều nên gia đình mới chở cháu đến bệnh viện. Tại Khoa Nhi, cháu được chẩn đoán bị SXH Dengue nặng ngày thứ 5, cháu được điều trị và chăm sóc tích cực tại khoa và đã xuất viện sau một tuần điều trị.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

SXH bắt đầu gia tăng từ đầu tháng 4, khi Nam bộ vào mùa mưa. Thời điểm bệnh tăng cao nhất thường vào tháng 8 đến tháng 12 - đây là thời kỳ đỉnh điểm của mùa mưa. Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ ngày 1-1-2018 đến 14-8- 2018, bệnh viện tiếp nhận điều trị nội trú 790 trẻ mắc bệnh SXH. Riêng từ ngày 1 đến 31-7-2018, tại Khoa Nhi tiếp nhận điều trị nội trú 205 trẻ bệnh SXH; từ ngày 1 đến 14-8-2018 có 115 ca SXH điều trị nội trú tại Khoa Nhi. Số liệu thống kê trên cho thấy, trong khoảng 1,5 tháng (từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 8), con số trẻ em mắc SXH tăng rất cao. Nói về nguyên nhân gia tăng bệnh SXH ở trẻ em trong thời gian gần đây, ngoài nguyên nhân khách quan là mùa mưa Nam bộ với độ ẩm trong môi trường cao, tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sinh sôi nảy nở, bác sĩ Minh Nguyệt cho rằng còn có nguyên nhân nữa là do ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân còn kém. Ở khu vực sinh sống của nhiều nhà dân, ngoài vườn còn nhiều ổ nước đọng không được giải phóng; chum vại không dùng đến nhưng không được đậy nắp; gáo dừa, vỏ lốp xe hỏng, chai lọ, ly nhựa… vứt bừa bãi, không được dọn dẹp tạo thành nhiều ổ nước đọng trong mùa mưa. Đây chính là những nơi lý tưởng để phát sinh bọ gậy, làm cho muỗi phát triển nhanh. Ngoài ra, ở nhiều khu nhà trọ không được chủ nhà trọ và người thuê nhà quan tâm dọn dẹp sạch sẽ cũng là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi nảy nở.

Bình Dương là tỉnh có dân số ngoại tỉnh cao, quá trình biến động di dân cũng làm tăng nguy cơ lan rộng nguồn truyền bệnh từ nơi này sang nơi khác trong các huyện, thị của tỉnh và giữa tỉnh này sang tỉnh khác. Cũng như người lớn, trẻ mắc bệnh SXH nặng có thể có một số biến chứng xảy ra như: Sốc SXH; suy tạng nặng do SXH (như: Suy gan cấp, suy thận cấp, suy tim cấp); xuất huyết nặng do SXH (như: Xuất huyết tiêu hóa nặng, xuất huyết niêm nặng - chảy máu mũi nhiều, xuất huyết não)… So với người lớn, trẻ em có sức đề kháng yếu hơn nên biến chứng cũng nguy hiểm hơn. Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh, do đó, các bậc phụ huynh nên cẩn thận phòng chống SXH ngay tại gia đình để tránh cho các em mắc phải.

Khuyến cáo của bác sĩ về cách phòng bệnh SXH cũng khá đơn giản, ai cũng có thể thực hiện được. Để phòng bệnh cho các em, các bậc phụ huynh cần thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi thường xuyên và không để bị muỗi đốt. Thường xuyên súc rửa, đậy kín các lu khạp, vật dụng chứa nước và thay nước bình bông thường xuyên. Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, dọn dẹp các hóc tối trong nhà là nơi muỗi hay trú ẩn… “Khi trẻ bị SXH, cho trẻ uống nhiều nước, từ 2 - 3 lít/ngày, có thể uống các nước trẻ thích như: Nước cam, nước chanh, nước dừa tươi, nước suối, nước đun sôi để nguội, nước Oresol, tăng cường uống sữa với số lượng nhiều hơn ngày thường. Cho trẻ ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như: Cháo, súp gà, phở bò gà và ăn cơm nếu trẻ thích. Tuy nhiên, cần tránh ăn quá nhiều dầu mỡ vì dễ làm cho trẻ bị đầy bụng, khó tiêu. Điều đặc biệt các bậc phụ huynh cần chú ý, đó là cho trẻ tái khám bác sĩ hàng ngày theo đúng hẹn, không nên tự ý dừng tái khám và dùng thuốc phải theo đúng lời dặn dò của bác sĩ”, bác sĩ Minh Nguyệt nói.

 HỒNG THUẬN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=566
Quay lên trên