Cần xây dựng Cung văn hóa thiếu nhi

Cập nhật: 13-08-2018 | 14:00:11

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh số lượng trẻ em (TE) từ 0 đến 16 tuổi chiếm 18,75% dân số trong tỉnh. Thế nhưng, sân chơi dành cho nhóm đối tượng này lại rất hạn chế. Chính vì vậy, qua khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nhiều ý kiến đã được đưa ra trong việc ưu tiên quỹ đất xây dựng sân chơi cho TE, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng Cung văn hóa thiếu nhi.

Nhà thiếu nhi chưa đáp ứng được nhu cầu

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Nhà Thiếu nhi (NTN) tỉnh và 7 NTN cấp huyện, thị, thành phố (Bắc Tân Uyên và Bàu Bàng chưa xây dựng). Một số nơi tận dụng cơ sở vật chất có sẵn, cải tạo thành NTN; nhiều nơi xây dựng lâu năm đã xuống cấp… Hầu hết, NTN không gian không đủ để xây dựng các chương trình đào tạo, vui chơi cho TE. Riêng NTN cấp tỉnh, nơi diễn ra nhiều sự kiện dành cho trẻ cấp tỉnh, thế nhưng không gian nơi đây khá chật hẹp, cơ sở vật chất xuống cấp. Hiện tại NTN tỉnh có khối hành chính, học tập, trong đó phòng học không đủ cho các lớp học; khối biểu diễn gồm sân khấu, hội trường; khối sinh hoạt đa năng có hồ bơi, 2 phòng thể thao nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu tập luyện các môn cầu lông, bóng bàn, bóng rổ, bóng đá; trung tâm giao lưu văn hóa Việt Hàn (NTN tỉnh đã giao mặt bằng tầng 3 từ tháng 6-2013 nên phòng học NTN thu hẹp lại).


Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát tại Nhà Thiếu nhi tỉnh

Anh Nguyễn Phan Thái Anh, Giám đốc NTN tỉnh, cho biết hiện tại NTN tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là cơ sở vật chất trang thiết bị vẫn còn hạn chế về chất lượng, kỹ thuật, chưa đáp ứng yêu cầu học tập và sinh hoạt cho thiếu nhi. Gần đây, NTN được đầu tư thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng một số hạng mục mới nhằm củng cố, duy trì và từng bước thực hiện tốt nhiệm vụ tạo sân chơi, là môi trường giáo dục lành mạnh, phục vụ chăm lo cho các em thiếu nhi trong tỉnh được tốt hơn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, một số hạng mục phát sinh như hồ bơi chưa bảo đảm tính an toàn do chưa có hệ thống rào chắn cho khu vực hồ bơi. Hồ bơi không thể khai thác sử dụng trong khung giờ từ 9 giờ đến 16 giờ vì nắng nóng do không có mái che. 2 phòng thể thao (vị trí cũ là nhà giữ xe cán bộ nhân viên và kho chứa vật dụng, trang thiết bị phục vụ hoạt động) nên hiện không còn nhà để xe, cũng như không tổ chức được các môn thể thao.

Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng lãnh đạo, cán bộ NTN tỉnh đã nỗ lực để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Hoạt động của NTN tỉnh đã nhận được niềm tin yêu trong cộng đồng xã hội thông qua nhiều chương trình hoạt động thiết thực, đa dạng và ý nghĩa. Việc giáo dục và bồi dưỡng năng khiếu, kỹ năng cho các em thiếu nhi được ban giám đốc chú trọng. Mỗi năm, NTN tổ chức 3 - 4 khóa học cho trên 25 bộ môn năng khiếu với gần 40 lớp/khóa. NTN tỉnh còn phối hợp thực hiện các hoạt động lễ hội - giáo dục truyền thống cho trẻ; tăng cường tổ chức các hoạt động hướng về cơ sở, phục vụ cho các em thiếu nhi ở các xã vùng xa của tỉnh…

Cần có thêm sân chơi cho trẻ

Cũng như NTN tỉnh, NTN cấp huyện cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chính vì vậy, những người làm công tác tại đây mong muốn được quan tâm, tạo điều kiện để nơi đây được xem là điểm đến lý tưởng cho trẻ khang trang, đầy đủ hơn.

Tìm hiểu về sân chơi cho trẻ, theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các địa phương của tỉnh, hiện nay khu vực để trẻ vui chơi còn khá khiêm tốn, chư đáp ứng nhu cầu vui chơi cho trẻ cả về số lượng, lẫn chất lượng. Một số trường mầm non có bố trí thêm sân chơi nhưng chưa nhiều. Nhiều Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã, phường có khu vui chơi nhưng đã cũ hoặc xuống cấp không thu hút TE đến chơi. Chính vì vậy cần xem xét lại việc xây dựng, tu bổ các sân chơi cho trẻ là rất cần thiết. Chị Nguyễn Thị Thương, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, cho biết sống tại TP.Thủ Dầu Một nơi có nhiều khu vui chơi do các doanh nghiệp mở nhưng đến với những địa điểm này khá tốn kém. Chính vì vậy, chị ít khi cho con đi chơi. Còn những nơi vui chơi miễn phí cho trẻ thì hạn chế. Chị hy vọng lãnh đạo tỉnh quan tâm xây dựng các sân chơi để TE, nhất là TE con em công nhân, TE nghèo được vui chơi.

Ông Trịnh Đức Tài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, cho biết hiện nay sân chơi cho TE chưa thật sự xứng tầm với sự phát triển của tỉnh. Các đơn vị, sở ngành được phân công nhiệm vụ chăm lo cho trẻ cần nghiên cứu, đề xuất các vấn đề xây dựng sân chơi cho trẻ, bố trí quỹ đất hợp lý để xây dựng sân chơi cho TE ở các địa phương; cấp tỉnh cần xây dựng Cung văn hóa thiếu nhi. Có sân chơi vui, bổ ích các em sẽ phát triển toàn diện, tránh xa tệ nạn xã hội. Từ đó kéo giảm tội phạm TE xuống con số thấp nhất.

TỐ TÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=350
Quay lên trên