Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy sự xuất hiện của các mầm bệnh mới, chẳng hạn như virus SARS-CoV-2 đang phổ biến hiện nay, có thể dẫn tới sự tồn tại lâu dài của các biến thể cấp tính hơn, có khả năng lây truyền nhanh hơn và có độc lực cao hơn.
Để đưa ra kết luận trên, nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp toán học nhằm phân tích phương sai gây bệnh và khả năng miễn dịch của con người. Các mầm bệnh, trong đó có các virus, được trung hòa khi con người có khả năng miễn dịch đủ lớn. Tuy nhiên, chúng có thể lẩn tránh hệ thống miễn dịch của con người bằng cách liên tục biến đổi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những mầm bệnh càng có khả năng lây lan nhanh chóng và rộng rãi thì càng có khả năng lẩn tránh hệ thống miễn dịch của con người. Các mầm bệnh như vậy có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng hơn trong vật chủ bị nhiễm, và có thể trở nên phổ biến hơn.
Đài truyền hình NHK dẫn lời Giáo sư Akira Sasaki, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết nhiều bệnh truyền nhiễm khác nhau vẫn tồn tại do các mầm bệnh của chúng đã lẩn tránh được hệ thống miễn dịch của con người.
Vì vậy, cần áp dụng các biện pháp khác nhau với giả định rằng SARS-CoV-2 có thể trở thành một mầm bệnh như vậy./.
Theo TTXVN