Bác sĩ Phan Văn Tiếng, Trưởng khoa Nội 1 (BVĐK tỉnh), cho biết mặc dù hiện nay chưa vào giai đoạn cao điểm của bệnh SXH nhưng khoa Nội 1 đang tiếp nhận điều trị nhiều ca SXH người lớn. Trong đó có trường hợp SXH Dengue bị sốc nặng phải chuyển viện. Theo bác sĩ Tiếng, trong những năm gần đây số ca SXH ở người lớn ngày càng gia tăng và thường có diễn tiến nặng hơn SXH ở trẻ em. Nguyên nhân chính là do sự chủ quan của người lớn, cứ nghĩ rằng SXH là bệnh xảy ra ở trẻ nhỏ. Trên thực tế, bệnh SXH xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tại khoa Nội 1 đã từng tiếp nhận bệnh nhân hơn 70 tuổi mắc bệnh SXH và trong năm 2012 đã có 6 ca SXH người lớn gây tử vong. Trong những ca SXH người lớn đang điều trị tại khoa Nội 1 thì phần lớn là những ca bệnh nặng vì người bệnh không đến bệnh viện khám mà tự ý mua thuốc ở các tiệm thuốc tây uống, khi đến bệnh viện thì bệnh đã trở nặng.
Một bệnh nhân người lớn bị SXH đang điều trị tại bệnh viện
Chị Nguyễn Thị Năm (21 tuổi, phường Phú Lợi, TP.TDM) mắc bệnh SXH đang điều trị tại khoa Nội 1 cho biết chị đang làm tại công ty thì thấy ớn lạnh, sốt, mệt mỏi. Chủ quan bị cảm cúm thông thường, chị ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống nhưng vẫn không khỏi. Chị Năm tiếp tục đi khám ở bệnh viện tư thì bác sĩ ở đây cho biết bị SXH và cho truyền dịch nhưng chị vẫn thấy bệnh ngày càng nặng hơn. Sang ngày thứ ba chị Năm phải nhập viện trong tình trạng buồn nôn, đi ngoài, sốt cao, xuất huyết ngoài da. Chị đã được các bác sĩ ở đây điều trị kịp thời. Chị Năm nói, trước chị, ở chung dãy nhà trọ cũng đã có người lớn bị SXH.
Bác sĩ Vương Huỳnh Diễm Trang, Phó Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh), cho biết suốt thời gian trong năm đều có ca mắc bệnh SXH, nhưng vào mùa mưa bệnh SXH thường bùng phát mạnh. Hiện nay, tại khoa Nhi đang tiếp nhận điều trị gần 20 ca SXH. Bác sĩ Trang cũng cho biết thêm hiện khoa Nhi có đầy đủ các trang thiết bị nhưng còn thiếu nhân lực, chính vì vậy lịch trực của các bác sĩ, nhân viên ở đây quá dày, đặc biệt vào những lúc cao điểm khi mà các dịch bệnh bùng phát thì các bác sĩ, nhân viên ở đây chịu rất nhiều áp lực, gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân.
Hiện nay là thời điểm mà bệnh SXH bắt đầu bùng phát mạnh, để phòng bệnh SXH thì biện pháp chính là diệt lăng quăng, giữ gìn nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ; tránh muỗi đốt, đặc biệt là vào lúc sáng sớm và chiều tối là thời điểm muỗi hoạt động mạnh. Việc nhận biết và phát hiện bệnh sớm là điều rất quan trọng, bác sĩ Phan Văn Tiếng cho biết nếu bị sốt quá 2 ngày thì nên đến bệnh viện khám để phát hiện bệnh sớm và được điều trị kịp thời.
Đ.LÊ - T.DƯƠNG