Hiện nay đang là cao điểm mùa khô, theo dự báo, thời tiết nắng nóng có thể kéo dài đến tháng 6-2016. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cấp cảnh báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên mức cấp 4, ngành đang phối hợp với cơ quan chức năng và địa phương nỗ lực hết mình để không xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh.
Bám cây, bám rừng 24/24
Hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang phối hợp cùng các đơn vị trong ngành và các chủ rừng ứng trực 24/24 giờ để đề phòng cháy rừng. Theo ông Võ Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện khu vực rừng phòng hộ núi Cậu có cấp độ báo động cháy rừng cấp 4. Vì vậy, lực lượng kiểm lâm tại đây luôn trong tư thế sẵn sàng với phương châm phòng là chính, chữa cháy kịp thời.
Rừng phòng hộ núi Cậu (huyện Dầu Tiếng). Ảnh: XUÂN THI
Ông Võ Văn Lộc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Dầu Tiếng cho biết, chế độ “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” ở đơn vị đã được duy trì suốt từ đầu mùa khô đến nay và sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời điểm cao điểm phòng chống cháy rừng. Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về phòng chống cháy rừng đối với người dân trong khu vực, các lực lượng liên quan của huyện đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống cháy rừng.
Theo Hạt Kiểm lâm Dầu Tiếng, trên địa bàn huyện có hai nơi dễ xảy ra cháy rừng nhất là khu vực rừng phòng hộ núi Cậu và rừng trong Khu di tích lịch sử Kiến An. Hai nơi này đều hiện diện những yếu tố bất lợi như: Độ tàn che phủ của rừng còn thấp, chưa đạt yêu cầu kỹ thuật nên cỏ dại mọc rất nhiều; thảm thực bì lớn; trong khi đó một số du khách khi tham quan du lịch tại khu vực chùa Thái Sơn núi Cậu chưa có ý thức bảo vệ rừng… khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Do rừng phòng hộ Núi Cậu, Dầu Tiếng là khu vực trọng điểm trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng của tỉnh nên thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh và huyện Dầu Tiếng đã rất quan tâm đầu tư thiết bị phòng chống cháy rừng.
Chủ động xử lý kịp thời
Ông Võ Văn Lộc cho biết, hiện đơn vị đã bố trí 3 chốt trực với 2 chòi canh lửa cao 15m và 5 hồ chứa nước (mỗi hồ có dung tích 25.000 lít); 2 xe vận tải chứa được 4m3 nước dùng cho việc chữa cháy và 40 bình xịt nước chữa cháy cầm tay. Lực lượng tại đây gồm có kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ, dân quân, công an và một số hộ dân sống gần rừng, trong rừng tại các xã Định Thành, Minh Hòa (Dầu Tiếng). Ngoài sự hợp tác của cơ quan chức năng, đơn vị còn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân tại các địa phương có rừng; khi phát hiện các dấu hiệu bất thường lực lượng này báo ngay cho đơn vị kiểm lâm và tích cực tham gia chữa cháy.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, ngành kiểm lâm đã thiết kế xây dựng đường băng xanh, băng trắng cản lửa tại khu vực rừng phòng hộ núi Cậu và rừng Kiến An. Huyện Dầu Tiếng cũng đã đầu tư xây dựng 6 tuyến đường khu vực rừng phòng hộ núi Cậu để phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng, trồng và chăm sóc rừng. Ngoài ra, Ban chỉ đạo phòng chống cháy rừng của huyện đã đề nghị Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, Phòng Cảnh sát PC&CC huyện Bến Cát hỗ trợ xe chữa cháy rừng trên địa bàn huyện nếu xảy ra cháy.
Rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay, lực lượng kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ núi Cậu đã phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức tập huấn các phương án phòng chống cháy rừng; đồng thời vận động, tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân về công tác bảo vệ rừng và nhắc nhở khách hành hương nâng cao trách nhiệm, bảo đảm không để xảy ra cháy.
QUỲNH NHIÊN