Từ ngày 1-1-2016, người dân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) có thể đi khám, chữa bệnh (KCB) ở tất cả các cơ sở y tế tuyến huyện trong tỉnh mà vẫn được hưởng 100% chi phí KCB. Điều này đem lại nhiều lợi ích cho người sử dụng BHYT. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Hữu Phong, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh.
Người tham gia BHYT có thể KCB tại tất cả bệnh viện tuyến xã, huyện hoặc tương đương trong cùng một tỉnh. Trong ảnh: Bệnh nhân đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Vạn Phúc
- Thưa ông, từ ngày 1-1- 2016, người bệnh được thông tuyến KCB tại các cơ sở y tế ở xã, huyện, thị, thành phố nhưng vẫn được thanh toán BHYT. Ông nhìn nhận về sự thay đổi này như thế nào?
- Theo Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã, hoặc phòng khám đa khoa, hoặc trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại trạm y tế tuyến xã, hoặc phòng khám đa khoa, hoặc TTYT tuyến huyện khác trong cùng địa bàn tỉnh mà không bị coi là trái tuyến và được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Điều này có nghĩa không còn bó buộc là đăng ký KCB BHYT ban đầu ở nơi nào thì mới được hưởng quyền lợi ở nơi đó như trước đây, mà đi khám chỗ khác trong cùng tỉnh cũng được hưởng quyền lợi.
Đơn cử, đăng ký BHYT ở TTYT TX.Thuận An, TX.Dĩ An cũng có thể KCB BHYT tại TTYT TP.Thủ Dầu Một hoặc TX.Bến Cát mà không cần giấy chuyển viện. Không những vậy, người bệnh có thẻ BHYT còn có quyền được KCB tại phòng khám, bệnh viện tư nhân tương đương mà vẫn hưởng 100% chi phí KCB chứ không phải 70% như lâu nay. Riêng đối với những trường hợp thẻ BHYT của người bệnh đăng ký KCB ban đầu ở tuyến huyện muốn khám ở tuyến tỉnh phải có giấy chuyển viện tại cơ sở y tế tuyến huyện đang khám; BHYT đăng ký ở tuyến tỉnh thì không sử dụng được ở các cơ sở y tế tuyến huyện.
Tôi cho rằng, đây là một bước tiến rất quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu mang lại quyền lợi nhiều hơn cho người tham gia BHYT. Sự thay đổi này sẽ giúp người bệnh tiếp cận dịch vụ phù hợp với tình trạng bệnh lý; chuyển tuyến theo yêu cầu chuyên môn. Thông tuyến BHYT được kỳ vọng sẽ mang lại sự hài lòng cho người bệnh điều trị ở tuyến dưới, từ đó khuyến khích người dân tham gia BHYT.
- Qua hơn 2 tháng triển khai thông tuyến KCB BHYT, kết quả như thế nào? Có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?
- Theo tôi, chính vì được lựa chọn nên người dân sẽ đến cơ sở y tế nào chuyên môn tốt, trang thiết bị hiện đại. Do đó, đa số người bệnh sẽ tiếp cận bệnh viện tuyến huyện nhiều hơn tuyến xã, hay tập trung khám ở các phòng khám đa khoa, TTYT uy tín. Vì vậy, sẽ xảy ra tình trạng nơi làm không hết việc, nơi lại ít hoặc không có bệnh nhân. Thách thức với nơi vắng là nguồn thu giảm, đời sống nhân viên y tế bị ảnh hưởng. Còn ở điểm quá tải, một số nơi điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, kỹ thuật chưa kịp thời đáp ứng, dễ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ. Tôi cho rằng, đây là động lực thúc đẩy, nâng cao chất lượng KCB tại các cơ sở y tế.
Gần 2 tháng qua, việc KCB thông tuyến khá thuận lợi, người dân cũng đã được thụ hưởng quyền lợi đầy đủ hơn. Số lượt KCB ở các cơ sở KCB tuyến huyện, đặc biệt là ở các TTYT thị xã, thành phố đã tăng lên rõ rệt. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 2 tháng đầu năm, số lượng người đi KCB BHYT tăng khoảng 1,3 lần so với năm 2015.
- Việc thông tuyến KCB BHYT đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Vậy theo ông, đâu là giải pháp để Luật BHYT sửa đổi đi vào thực tiễn cuộc sống như hiện nay?
- Khi Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực, BHXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống. Cơ quan BHXH tích cực phối hợp với ngành y tế để có thông tin kịp thời về các cơ sở KCB được thông tuyến, về các quyền lợi được hưởng và có giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, để vừa bảo đảm quyền lợi của người bệnh nhưng cũng ngăn chặn được hiện tượng lạm dụng trục lợi quỹ BHYT có thể xảy ra.
Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền được ưu tiên với các hình thức đa dạng. Việc củng cố lại các đại lý thu BHYT cũng được chú trọng, nhất là ở tuyến xã, phường. Ngành cũng tích cực phối hợp với ngành y tế trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ KCB bằng BHYT cho người tham gia, nhất là tại tuyến cơ sở. Việc đẩy mạnh cải cách hành chính sẽ được gắn với việc nâng cao trách nhiệm, y đức của đội ngũ y, bác sĩ và giám định viên BHYT trong công tác KCB và thanh toán kinh phí KCB bằng BHYT. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám định cũng sẽ được đổi mới nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT, tạo sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội về lĩnh vực BHYT…
Thời gian tới, ngoài nỗ lực của các ngành chức năng thì sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội là điều hết sức quan trọng để đưa Luật BHYT sửa đổi đi vào thực tiễn cuộc sống, vì quyền lợi của nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
THIÊN LÝ (thực hiện)