Gọi là câu lạc bộ cho oai chứ thật ra chẳng có tên tuổi, tổ chức nào. Họ là những người tình nguyện. Bằng cả tấm lòng của mình, họ chắt chiu từng đồng để nhường cơm sẻ áo với người nghèo (NN). Với việc làm cao cả đó, họ ngày càng được nhiều người tin tưởng, chung tay góp sức để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Các thành viên CLB đến thăm, tặng quà cho người nghèo ở thị trấn Chơn Thành, tỉnh Bình Phước
Đó là nhóm tình nguyện của những người toàn là dân lao động ở phường Chánh Nghĩa (TX.TDM). Người thì làm nghề sửa tivi, người thì thầu xây dựng nhỏ, người thì làm nghề thợ đụng, nghĩa là đụng đâu làm đó, ai kêu gì làm nấy, người giàu nhất có được chiếc xe du lịch chạy dịch vụ... Nhưng mỗi năm, họ chắt chiu và kêu gọi bạn bè, những Mạnh Thường Quân làm việc thiện khoảng vài chục triệu đồng. Địa bàn hoạt động cả trong và ngoài tỉnh.
Quà đến tay người nghèo
Mới đây, nhóm tình nguyện đã tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà cho NN ở xã Nha Bích, thị trấn Chơn Thành, Bình Phước. Có cùng đi, tận mắt chứng kiến mới thấy tấm lòng của những người tình nguyện này dành cho NN. Đến nơi, mỗi người một tay... xông vô phân chia quà cho NN. Ông Lưu Mỹ, một thành viên lâu đời của nhóm chia sẻ: “Ngoài số tiền của các thành viên trong nhóm, mình vận động thêm bà con xung quanh mỗi người một ít. Vì vậy khi đến nơi, mình tập hợp, phân chia luôn”. Vì chỉ “Giàu hơn NN một tí” như lời các thành viên chia sẻ nên việc vận động để có một chuyến đi rất công phu. Khi thì đi xin, thu gom được vài thùng mì; khi thì được vài chục chai nước tương... lúc đã gần đủ thì kêu gọi thêm Mạnh Thường Quân tham gia. Ông Lưu Mỹ, cho biết thêm: Mình không phải “đại gia” nên đâu có nhiều tiền, mà bạn bè cũng toàn người trung bình nên vận động mỗi người một ít, chủ yếu là tấm lòng.
Sự vui sướng của NN khi đón nhận những món quà chính là động lực để các thành viên tích cực làm việc thiện. Bà Nguyễn Thị Được, một NN của xã Nha Bích chia sẻ: “Cảm ơn tấm lòng hảo tâm của các anh em trong đoàn. Phần quà tuy không lớn nhưng giúp cho tôi có những bữa cơm no đủ hơn”. Bà Được hiện đã 75 tuổi, không có ruộng vườn, con cái đều nghèo nên cũng không giúp đỡ gì được nhiều cho bà. Vì vậy, những phần quà dành cho NN như thế này bà rất quý trọng. Còn bà Lâm Thị Chhơi (dân tộc Khơ-me) xúc động nói: “Ở địa phương thỉnh thoảng có đoàn về tặng quà cho NN, nhờ vậy cuộc sống mình đỡ vất vả hơn”. Bà Chhơi hiện sống bằng nghề mót mủ cao su. Nhiều người hàng xóm cho biết, trước nay bà khổ vì chồng, dù đã lớn tuổi nhưng ông vẫn không từ bỏ thói quen nhậu nhẹt, đánh đập bà.
Ông Lâm Du, Bí thư Đảng ủy xã Nha Bích cho biết: “Nha Bích là một xã nghèo của tỉnh Bình Phước. Ở đây đa phần là bà con đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy, họ rất cần sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng để cuộc sống ổn định hơn”.
Không chỉ đi theo sự “đặt hàng”, các thành viên trong nhóm còn tặng quà đột xuất khi vô tình biết được những trường hợp khó khăn trên báo, đài hay thông qua người quen. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Thu Hiền ở khu phố 7, phường Phú Mỹ (TX.TDM) là một điển hình. Khi biết hoàn cảnh khó khăn của chị Hiền, các thành viên lập tức đứng ra vận động tiền, quà... trao cho chị. Ngoài ra, các thành viên còn ngỏ ý xây tặng căn nhà tình thương, song do chị không có đất nên chưa thể thực hiện nguyện vọng đó được.
Người ta vui mình cũng vui
Các thành viên trong nhóm đa phần là người có thu nhập trung bình. Để có được những chuyến đi, họ phải bớt đi một phần chi tiêu của mình. Ông Phạm Hồng Châu, thành viên kiêm tài xế của nhóm cho biết: “Nhóm chúng tôi đi tặng quà tính đến nay khoảng 20 năm. Hồi trước mình còn khó khăn nên đi cũng ít, mỗi lần khoảng 20, 30 phần quà, nhiều thì được 50, 60 phần. Ngoài nội lực của các thành viên, mình vận động thêm các Mạnh Thường Quân. Nhờ mình nhiệt tình, đi đúng đối tượng nên ngày càng có nhiều Mạnh Thường Quân tình nguyện tham gia. Vì vậy, thời gian gần đây mình tổ chức có năm 2 đợt, số lượng quà cũng nhiều hơn”.
Động lực để những người lao động này tham gia công tác từ thiện chỉ đơn giản vì người ta vui mình cũng thấy vui. Ông Phạm Hồng Châu cho biết: Được đi thích lắm, mình cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Vì vậy cứ trước mỗi chuyến đi anh em nôn nao, nhiều hôm không ngủ được, cứ đếm đi đếm lại số quà coi đủ chưa, cần gì nữa không, rồi mình còn vận động được thêm ai nữa không...
Ngày trước để đi trao quà đúng đối tượng, các thành viên phải xách xe honda xuống tận nơi khảo sát, sau này thông qua Hội Chữ thập đỏ. Bà Trần Thị Liên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh đánh giá: “Nhóm tình nguyện này toàn dân lao động nhưng họ rất nhiệt tình, rất đáng quý. Năm nào cũng phối hợp với hội tặng quà cho NN, khi thì đến các huyện, thị trong tỉnh, khi thì lên tới Bình Phước, về tận miền Tây...”.
THU THẢO
“Lá rách đùm lá nát”
Câu nói của anh Nguyễn Văn Phú, thành viên của nhóm khi đến thăm hoàn cảnh của chị Hiền ở khu phố 7, phường Phú Mỹ (TX.TDM) làm tôi nhớ mãi. “Anh cho tôi mượn 100.000 đồng cho vợ chồng họ đi, về tôi làm trả lại”. Đây là lần đầu tiên, tôi thấy một người mượn tiền bạn để làm từ thiện.
Tìm hiểu ra mới biết, anh Phú thuộc diện hộ nghèo của phường. Anh sống độc thân. Ngày trước, anh làm thợ đồng nhưng giờ lớn tuổi, không đủ sức khỏe để làm những việc nặng nhọc nên anh chuyển nghề. Khi thì làm phụ hồ, khi thì bưng hủ tiếu. Căn nhà anh ở là nhà tình thương do phường cấp. Nhưng hễ có tiền là anh đóng góp cho các thành viên trong nhóm để làm từ thiện.
Tâm sự với chúng tôi, anh cho biết: “Tôi không phải lá lành đùm lá rách mà là lá rách đùm lá nát. Đơn giản bởi tôi nghĩ, mình khổ nhưng còn nhiều người khổ hơn mình. Vì vậy, dành dụm được bao nhiêu tiền tôi tặng cho NN”.