Chăm lo cho người lao động

Cập nhật: 21-12-2016 | 08:47:18

Xác định việc chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động (NLĐ) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã phối hợp, tổ chức nhiều hoạt động nhằm góp phần hỗ trợ đời sống vật chất cho NLĐ, giúp NLĐ an tâm, chăm lo sản xuất, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp (DN) và tỉnh Bình Dương.

Xe đưa đón công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê đón tết. Trong ảnh: Bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh thăm hỏi công nhân trước khi xe chuẩn bị khởi hành

Quan tâm đến vật chất

Từ năm 2010-2015, số lượng công nhân lao động (CNLĐ) trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng nhanh, song hầu hết số lao động này đều có việc làm ổn định. Mức lương và các khoản phụ cấp tham gia bảo hiểm xã hội cho NLĐ bình quân từ 4 - 4,5 triệu đồng/ người/tháng. Ngoài ra, các DN đã giải quyết thêm những chế độ, chính sách nhằm tăng thu nhập cho NLĐ như tiền ăn ca, tiền nhà ở, nuôi con nhỏ, xăng xe đi lại, điện thoại, tiền lương làm thêm giờ.

Nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho CNLĐ trên địa bàn, tỉnh đã triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2011-2015. Hiện nay, đã có 22 dự án đưa vào sử dụng, đáp ứng chỗ ở cho 36.860 người. Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp TNHH MTV (Becamex IDC) đã đưa vào sử dụng gần 5.000 căn hộ và đang tiếp tục xây dựng thêm 10.000 căn hộ nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của CNLĐ. Ngoài ra cũng có thêm 225 DN xây dựng nhà ở cho CNLĐ với tổng diện tích 300.000m2, giải quyết chỗ ở cho khoảng 60.000 CNLĐ. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh còn có trên 3.000m2 sàn nhà trọ do các hộ gia đình và cá nhân đầu tư với 182.289 căn, đáp ứng cho hơn 543.000 người. Phát huy vai trò là cầu nối giữa NLĐ và DN, thời gian qua các cấp công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động tặng 1.186.000 phần quà với tổng trị giá trên 170,9 tỷ đồng cho CNLĐ nghèo. Chương trình chuyến xe nghĩa tình đã hỗ trợ vé xe cho 3.047 CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn về quê vui xuân đón tết cùng gia đình. Vận động người sử dụng lao động và ngân sách công đoàn mua vé xe cho CNLĐ; phối hợp với “Quỹ tấm lòng vàng”, “Quỹ bảo trợ trẻ em” trao 260 suất quà, mỗi suất trị giá từ 300.000 - 500.000 đồng cho CNLĐ nghèo, bị tai nạn lao động nặng. Ngoài ra, nhiều công đoàn cơ sở đã đề xuất các hình thức chăm lo cho CNLĐ như xây dựng nhà giữ trẻ, cabin vắt trữ sữa mẹ phục vụ con em CNLĐ, tổ chức cửa hàng công đoàn phục vụ các mặt hàng thiết yếu với giá gốc cho CNLĐ, giám sát chất lượng bữa ăn giữa ca, giải quyết tốt các chế độ cuối năm, thăm hỏi đoàn viên và NLĐ khi ốm đau, hoạn nạn và duy trì các nguồn quỹ…

Nâng cao đời sống tinh thần

Không chỉ chăm lo đời sống vật chất, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cùng các cấp công đoàn cơ sở còn thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cho CNLĐ vui chơi sau những ngày làm việc mệt mỏi. Hàng năm, các cấp công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức nhiều hoạt động tham quan nghỉ mát, giao lưu chia sẻ, học tập kinh nghiệm như thi thời trang CNLĐ, tiếng hát công nhân, công nhân thanh lịch, cắm hoa, ẩm thực và các hoạt động thể dục thể thao. Tiêu biểu cho những hoạt động này phải kể đến hội thi thời trang sáng tạo và giọng hát hay trong CNLĐ của công đoàn các cấp đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong

 CNLĐ. Hội thi đã thu hút rất nhiều CNLĐ tham gia thi và cổ vũ. Bà Ong Thị Hoàn Mai, Chủ tịch LĐLĐ TX.Thuận An cho biết: “Với mục đích nâng cao đời sống tinh thần cho anh chị em CNLĐ, hàng năm, Ban Chấp hành công đoàn thường xuyên phối hợp với công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Hội thao, văn nghệ, chương trình bốc thăm trúng thưởng... Thông qua những hoạt động này, chúng tôi mong muốn anh chị em công nhân có tinh thần phấn chấn hơn trong công việc, nâng cao năng suất lao động để đưa công ty ngày càng phát triển”.

Với ý nghĩa “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, công đoàn các cấp cũng tổ chức nhiều hội thao CNLĐ. Đây là những giải đấu phong trào dành cho các đội bóng đá nam và đội bóng đá nữ trong các công ty. Giải được tổ chức nhiều lần và được CNLĐ hưởng ứng nhiệt tình, không chỉ là sân chơi, mà còn là nơi giao lưu, học hỏi rèn luyện thể dục thể thao trong CNLĐ. Chị Dương Thùy An, công nhân KCN Đại Đăng chia sẻ: “Sau những ngày làm việc mệt mỏi, CNLĐ rất cần sân chơi lành mạnh để giải trí, ca hát, thưởng thức âm nhạc, vui chơi thể thao hay giao lưu kết bạn. Vì vậy, NLĐ rất mong tổ chức công đoàn, lãnh đạo công ty tổ chức nhiều hơn nữa hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao”.

“Thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh luôn nỗ lực để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho CNLĐ trên địa bàn. Tuy nhiên, để sự quan tâm được trọn vẹn và đủ đầy hơn nữa, thời gian tới LĐLĐ tỉnh kiến nghị với Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND tỉnh chấp thuận cho LĐLĐ xây dựng các trung tâm văn hóa ở khu vực có nhiều khu công nghiệp có đông CNLĐ nhằm phục vụ đời sống tinh thần của NLĐ được tốt hơn. Mở rộng các mô hình hỗ trợ NLĐ như: Quỹ trợ vốn cho NLĐ cải thiện kinh tế, siêu thị công nhân, nhà ở xã hội, nhà trẻ cho con công nhân…”.

(Ông Bùi Thanh Nhân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh)

 

 KIM HÀ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên