Chăm lo phát triển thanh niên

Cập nhật: 18-06-2012 | 00:00:00

Những năm qua, Bình Dương luôn có nhiều chính sách quan tâm phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần nhằm tạo điều kiện cho thanh niên (TN) phát huy tài năng, sức sáng tạo, xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.  Thanh niên luôn được quan tâm chăm lo phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần

Từ một đơn vị điển hình

Thực hiện Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TN thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, TN Bình Dương luôn phấn đấu vươn lên khẳng định và thể hiện mình trong xã hội, xứng đáng là cánh tay đắc lực của tổ chức Đảng ở cơ sở. Có thể nói TX.Dĩ An là đơn vị điển hình trong việc xây dựng thành công môi trường xã hội lành mạnh, tạo điều kiện cho TN phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Anh Nguyễn Văn Bình, một đảng viên trẻ ở phường Bình An là một trong số TN điển hình tiên tiến trong phong trào. Thời gian qua, anh Bình đã duy trì lớp học tình thương ở Miễu ấp Thượng, giúp trẻ em lang thang, cơ nhỡ, con em công nhân được đến trường. Nhiều năm qua, lớp học thực sự đã trở thành địa điểm thiết thực để các em có điều kiện tiếp cận với con chữ, giảm bớt sự thiệt thòi với các bạn đồng trang lứa. Hay như anh Bùi Thanh Phúc ở phường Dĩ An luôn sống vì mọi người, cùng chia sẻ khó khăn với người xung quanh. Anh Phúc luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người nên nhiều TN xa quê xem anh như chỗ dựa tin cậy để học nghề. Năm 2006, anh tham gia khóa học cắt tóc trang điểm. Sau khi tốt nghiệp anh Phúc mở tiệm cắt tóc Tú Hàm ở khu phố Nhị Đồng. Với tính cách đam mê học tập, sáng tạo trong suy nghĩ, khách hàng luôn hài lòng khi đến tiệm cắt tóc. Không chỉ cắt tóc, trang điểm anh còn dạy nghề cho nhiều bạn trẻ. Hầu hết, số TN được anh “đào tạo” có tay nghề vững chắc, nhiều TN có việc làm, ổn định cuộc sống. Hiện nay thu nhập bình quân của anh Phúc khoảng 10 triệu đồng/tháng. Không dừng lại ở đó, anh còn mơ ước sẽ tham dự cuộc thi “Cây kéo vàng” để có cơ hội học tập, nâng cao tay nghề.

Bên cạnh đó, phong trào TN thi đua học tập, tiến quân vào khoa học kỹ thuật, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội cũng gặt hái nhiều thành quả. Đoàn TN phối hợp với Liên đoàn Lao động thị xã, các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tổ chức thực hiện dạy nghề, tạo việc làm cho TN. Những năm qua, các tổ chức Đoàn đã giới thiệu và tư vấn việc làm cho 1.500 TN, đưa họ đến với phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh. Nhằm “Trẻ hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt” trong công tác bố trí cán bộ trẻ, TN luôn được cấp ủy Đảng quan tâm. Tỷ lệ cán bộ trẻ được bổ nhiệm làm cán bộ lãnh đạo trưởng, phó trong các cơ quan, ban ngành ngày một nâng cao, tỷ lệ cán bộ Đoàn thị xã dưới 30 tuổi đạt 75% và cán bộ Đoàn cấp phường dưới 30 tuổi đạt 85%. Phát huy vai trò tham mưu, các tổ chức Đoàn xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ, cán bộ trẻ nhằm tập trung kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.

Đến triển khai Luật TN

Ngay khi Luật TN có hiệu lực, các ban, ngành đoàn thể trong tỉnh đã triển khai luật đến với đông đảo đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong tỉnh như: nâng cao nhận thức của TN, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, có ước mơ, hoài bão vươn lên trong cuộc sống... Thông qua các Câu lạc bộ phòng chống tội phạm, Đội tuyên truyền pháp luật lưu động, các đề án đã góp phần tuyên truyền rộng rãi Luật TN. Hàng năm có 100% đoàn viên, hội viên, TN được tuyên truyền Luật TN, Luật Giao thông đường bộ, tư vấn trợ giúp pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật.

Mặt khác, sự quan tâm của các cấp, ngành đã tạo điều kiện thuận lợi cho TN phát huy tài năng, sức sáng tạo, xung kích tình nguyện trên các mặt trận chính trị, văn hóa, xã hội. Hầu hết các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý của Đoàn TN phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật lưu động trên địa bàn dân cư, các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến. Vì vậy, ý thức chấp hành, kỹ năng ứng xử pháp luật của TN được nâng cao, tiến tới xây dựng thế hệ TN thời đại mới.

Tích cực hỗ trợ TN học nghề, tạo việc làm

Thực hiện Quyết định 103 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ TN học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2008-2015, các cấp bộ Đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp với ngành lao động - thương binh và xã hội tập trung hoàn thành 5 nhiệm vụ trọng tâm cho TN: tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; tư vấn định hướng nghề nghiệp, việc làm; phòng chống tệ nạn xã hội; chương trình phát triển TN Bình Dương; chăm lo người có công, đối tượng bảo trợ xã hội trong TN.

Bên cạnh chính sách ưu đãi của Nhà nước về tín dụng đối với TN học nghề, UBND tỉnh phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Dương đến năm 2020”. Tính đến tháng 6-2011, tổng dư nợ cho học sinh, sinh viên vay vốn, hỗ trợ học tập, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hơn 189 tỷ đồng. Sàn giao dịch, ngày hội việc làm đã giới thiệu việc làm cho 1.500 lao động/đợt; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề chiếm trên 60%. Cùng với Trung tâm Giới thiệu việc làm TN tỉnh, việc xây dựng Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân (TNCN) và lao động trẻ tại KCN Mỹ Phước với tổng vốn đầu tư hơn 57 tỷ đồng, diện tích khoảng 2 ha, dự kiến hoàn thành vào cuối năm và sẽ là nơi vui chơi giải trí, hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm cho hàng ngàn TNCN. Trong 3 năm thực hiện đề án phổ cập và nâng cao kiến thức tin học, toàn tỉnh đã mở 1.083 lớp tin học với 29.300 cán bộ Đoàn, đoàn viên, TNCN tham gia nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới.

Chăm lo đời sống tinh thần cho TN

Chăm lo đời sống tinh thần, tạo điều kiện cho TN phát triển toàn diện luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của Tỉnh ủy và được đưa vào Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ IX, phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa thể thao đạt tiêu chuẩn từ 55 - 60%. Hiện toàn tỉnh có 5/7 huyện, thị có nhà thiếu nhi, 2 huyện đã có chủ trương xây dựng, dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Một số trung tâm văn hóa - thể dục thể thao phục vụ đắc lực cho hoạt động vui chơi, giải trí của TN như: Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh. Để tạo điều kiện cho TN vui chơi, giải trí, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều thiết chế văn hóa quan trọng. 7/7 huyện, thị đã hình thành trung tâm văn hóa thể thao, 25 trung tâm văn hóa ở phường, thị trấn được đầu tư xây mới đạt quy chuẩn và 30 xã trong diện thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đang lập dự án đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa thể thao theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thông qua hình thức xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tỉnh đã thực hiện thí điểm xây dựng các trung tâm, thiết chế văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của TN, TNCN tại các khu, cụm công nghiệp như: sân golf Phú Mỹ, Sông Bé, 3 cụm quần vợt, nhà thi đấu đa năng, trung tâm văn hóa thể thao đa năng... Đặc biệt với 110 mô hình sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, góp phần phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục, thể thao của thanh thiếu niên.

Tại buổi kiểm tra thực hiện chính sách, pháp luật đối với TN và công tác TN ở Bình Dương, ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng đoàn Ủy ban Quốc gia về TN Việt Nam khẳng định: Công tác TN của tỉnh được triển khai khá quyết liệt, phương pháp tuyên truyền phong phú, đa dạng nhằm gắn kết các lực lượng TN. Công tác đào tạo nghề, việc làm, hướng nghiệp, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, các chính sách hỗ trợ cho TNCN như nhà trọ, điện, nước được các cấp, ngành từ xã, phường đến huyện, thị thực hiện bài bản, theo hệ thống nhất định. Tuy nhiên, để công tác TN đạt hiệu quả cao hơn nữa thì các ngành, các cấp cần phân tích rõ đặc điểm tình hình TN trên địa bàn tỉnh để có chính sách hỗ trợ, phát triển kịp thời.

KIM HÀ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên