Chặng nước rút

Cập nhật: 22-09-2011 | 00:00:00

Ngày 23-9, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sẽ chính thức đề nghị LHQ công nhận Nhà nước Palestine là thành viên chính thức. Sau đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon xem xét và chuyển HĐBA bỏ phiếu thông qua. Để được chấp thuận, Palestine cần có 9 phiếu ủng hộ trong tổng số 15 thành viên HĐBA và không bị các thành viên thường trực phủ quyết.

Hy vọng của Palestine

Điều tra mới nhất của hãng tin BBC cho thấy kết quả khả quan mà dư luận quốc tế dành cho Palestine. Trong số 20.000 người được phỏng vấn ở 19 nước (trong đó có Mỹ) thì tới 49% ủng hộ Palestine, 21% phản đối. Điều khiến chính quyền Mỹ lưu tâm là 45% người Mỹ ủng hộ. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon trong cuộc gặp với Tổng thống Abbas tại trụ sở LHQ ở New York ngày 19-9 đã khẳng định ủng hộ một Nhà nước Palestine độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez không tham dự phiên họp ĐHĐ LHQ lần thứ 66 vì lý do sức khỏe nhưng ngày 21-9 đã gửi thư đến LHQ để bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Palestine.

  Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon (phải) và Tổng thống Palestine Abbas tại trụ sở LHQ ở New York.

Nỗi lo của Mỹ

Mỹ đang ở thế bí khi việc chấp thuận hay không chấp thuận yêu cầu của Palestine cũng khiến chính quyền Obama bẽ mặt. Thống đốc bang Texas Rick Perry, người vừa tuyên bố sẽ ra tranh cử vị trí chủ nhân Nhà Trắng năm 2012 với cương vị là ứng viên đảng Cộng hòa, thừa dịp này để công kích Tổng thống Obama. Ông Rick Perry mạnh miệng đưa ra đề xuất mang tính chất đe dọa đối với những ai ủng hộ Palestine: “Mỹ nên cắt giảm nguồn quỹ tài trợ cho LHQ, lãnh đạo Palestine và đóng cửa các văn phòng của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Mỹ”. Các thượng nghị sĩ cấp cao thuộc cả phe Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ, trong đó có Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề châu Phi của Thượng viện Chris Coons ngày 20-9 đã gửi một bức thư tới 23 nhà lãnh đạo châu Phi kêu gọi phản đối nỗ lực của Palestine tại LHQ.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov để thảo luận một tuyên bố chính thức của nhóm bộ tứ về Trung Đông (gồm Nga, Mỹ, EU và LHQ) nhằm dọn đường cho các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine. Nhưng tuần trước, Nga đã công khai ủng hộ Palestine. Bà Clinton cũng đã gặp đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU Catherine Ashton với mong muốn thúc đẩy tái khởi động đàm phán với Palestine và Israel. Tổng thống Obama ngày 21-9 sau khi có cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ gặp Tổng thống Abbas để tiếp tục thuyết phục Palestine bỏ ý định yêu cầu LHQ công nhận tư cách thành viên chính thức. Nhưng tất cả có phải đã quá muộn?

Thật ra, nếu Palestine không đưa yêu cầu cho LHQ vào ngày 23-9 thì liệu căng thẳng xung đột Israel-Palestine có giảm? Tổng số người thiệt mạng tính từ tháng 9-2000 đến nay ở cả hai nước đã hơn 7.500 người, trong đó có gần 1.600 trẻ em.

Hậu 23-9

Hiện nay chính quyền Palestine đang phụ thuộc vào viện trợ khá lớn của Mỹ và châu Âu. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, sau ngày 23-9, Palestine có thể hướng đến một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Các cơ sở kinh tế của Palestine chưa đủ vững vàng. Vì thế, nền kinh tế Palestine thiếu tự chủ sẽ sụp đổ nếu chỉ nhận được viện trợ nhỏ giọt. Các nhà phân tích an ninh Israel đe dọa rằng tháng 9 này sẽ trở thành tháng 9 đen tối đối với kinh tế và xã hội Palestine. Về phần mình, Israel tiếp tục gây sức ép khi thông báo trước dư luận quốc tế rằng đã sẵn sàng tập hợp 6.000 người với đầy đủ đồ bảo hộ, có thể tham gia giao tranh nếu cần thiết.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=298
Quay lên trên