Trung, Ấn 'dàn trận lôi kéo' Myanmar

Cập nhật: 22-09-2011 | 00:00:00

Tương tự kênh đào Suez nối Địa Trung Hải - Ấn Độ Dương, chi phối mạnh mẽ giao thương của toàn thế giới, Myanmar cũng đang đứng trước định mệnh là cầu nối Ấn Độ và Trung Quốc, mở ra thời kỳ mới cho sự phát triển của toàn bộ châu Á.

Hàng thiên niên kỷ trong quá khứ, Ấn Độ và Trung Quốc bị chia tách và cách biệt với nhau bởi những khu rừng rậm mênh mông, dãy Himalayas sừng sững và cao nguyên Tây Tạng bao la. Do đó, hai nước hình thành nên hai nền văn minh hoàn toàn khác biệt, mang những nét đặc sắc khác nhau về ngôn ngữ và các phong tục tập quán.

Cũng trong khoảng thời gian này, để đi từ Trung Quốc tới Ấn Độ và ngược lại, các tu sĩ, các nhà truyền giáo, các thương nhân lẫn các nhà ngoại giao hai nước phải vượt qua hành trình vô cùng khó khăn. Họ phải vượt hàng nghìn km qua các ốc đảo và sa mạc khắc nghiệt bậc nhất ở Trung Á. Ngoài ra, có một lựa chọn khác cũng xa xôi, gian nan không kém đó là đi xuyên qua biển Đông và qua eo biển Malacca.

  Muốn từ Trung Quốc tới Ấn Độ và ngược lại, đoàn người phải vượt qua một hành trình gian nan xuyên qua sa mạc khắc nghiệt. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa, khi trung tâm kinh tế thế giới chuyển dịch về phía Đông thì kết cấu của phương Đông cũng thay đổi. Theo đó, các khu vực vốn biệt lập trước đây sẽ dần liên kết, đan xen, gắn bó với nhau chặt chẽ hơn bao giờ hết.

Nhưng có lẽ không mấy ai ngờ được rằng trung tâm của sự đổi thay đó sẽ nằm ở Myanmar.

Myanmar là một đất nước nhỏ bé khi so với diện tích của Trung Quốc (khoảng 9 triệu km2) và Ấn Độ (hơn 3 triệu km2). Đã vậy, dân số của Myanmar lại chỉ ở mức 60 triệu người, chẳng thấm vào đâu so với 2,5 tỷ người, tổng số dân của hai gã khổng lồ Trung - Ấn cộng lại. Ngoài ra, Myanmar là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Tuy nhiên, không một quốc gia châu Á nào khác ngoài Myanmar có đủ lợi thế về địa lý để kết nối giữa Trung Quốc và Ấn Độ bởi nó nằm ở vị trí chiến lược, giữa hai gã khổng lồ của châu Á, thậm chí toàn bộ lục địa này.

Xét về riêng Trung Quốc, từng có thời họ bị xem là quốc gia tầm thường, đầy rẫy các khó khăn (trong con mắt của phương Tây). Tuy nhiên, Trung Quốc ngày nay đang chứng tỏ cho cả thế giới thấy rằng sẽ thật ấu trĩ nếu còn coi thường “con rồng châu Á”.

Ngay từ giữa thập niên 90, Trung Quốc bắt đầu để lộ tham vọng nối liền phần nội địa rộng lớn của mình với bờ biển Ấn Độ Dương bằng kế hoạch xây dựng các tuyến cao tốc. 10 năm sau, kế hoạch này trở thành hiện thực. Đường cao tốc mới của Trung Quốc cắt qua vùng cao nguyên của Myanmar, nối liền nội địa của Trung Quốc với Ấn Độ và vịnh Bengal.

Đáng nói hơn là một đường cao tốc mới dẫn đến một cửa khẩu mới trị giá hàng tỷ USD, giúp việc xuất khẩu hàng hóa từ các tỉnh miền Tây Trung Quốc trở nên dễ dàng, đơn giản hơn bao giờ hết.

Quan trọng hơn, từ cửa khẩu này, dầu từ vịnh Ba Tư và châu Phi cũng được vận chuyển dọc theo một đường ống dài 1.609 km tới nhà máy lọc dầu ở tỉnh Vân Nam, nằm trong lục địa Trung Quốc.

Ngoài ra, một đường ống dẫn dầu khác tương tự đang được xây dựng cũng sẽ mang khí đốt tự nhiên mới được phát hiện ở ngoài khơi Myanmar tới các thành phố đang phát triển như vũ bão của Trung Quốc là Côn Minh và Trùng Khánh.

Tham vọng hơn, Trung Quốc còn đang lên kế hoạch đầu tư hơn 20 tỷ USD để xây một tuyến đường sắt cao tốc vắt ngang qua Myanmar với mục tiêu đến năm 2016, du khách có thể đi tàu hỏa từ Rangoon (Myanmar) đến Bắc Kinh (Trung Quốc). Ngoài ra, lãnh đạo Trung Quốc còn tự tin khẳng định tuyến đường này một ngày nào đó sẽ được mở rộng tới tận Delhi và từ đó vươn tới cả châu Âu. Nếu kế hoạch trên thành hiện thực, Myanmar có thể trở thành California của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện rất cần Myanmar bởi nước này nằm trong chính sách "Hai đại dương” của Bắc Kinh. Trong chiến lược đó, Trung Quốc vươn mình thành cường quốc tiếp giáp hai đại dương. Khi đó, Myanmar nghiễm nhiên trở thành tay phải, giúp Trung Quốc với tới Ấn Độ Dương trong khi tay trái chạm Thái Bình Dương.

Ngoài ra, giới lãnh đạo Trung Quốc muốn "lợi dụng" Myanmar để giảm sự phụ thuộc vào eo biển Malacca. Eo biển này đóng vai trò huyết mạch đối với Trung Quốc, một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ nước ngoài với hơn 80% số dầu mỏ nhập khẩu vào Bắc Kinh phải đi qua Malacca.

Song tuyến đường này cũng gây ra một nỗi phấp phỏng cho Bắc Kinh. Giới lãnh đạo nước này luôn canh cánh nỗi lo trong tương lai rằng các đối thủ của họ có thể lợi dụng eo biển Malacca để chặn và cắt giảm nguồn cung cấp năng lượng từ nước ngoài tới Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc cần một tuyến đường mới thay thế và không quốc gia nào khác ngoài Myanma có khả năng giải quyết triệt để vấn đề này.

Nhờ tuyến đường mới thông qua Myanmar, Bắc Kinh sẽ bớt phụ thuộc vào eo biển Malacca, rút ngắn khoảng cách giữa các nhà máy của Trung Quốc với thị trường châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương.

Hơn nữa, ở thời điểm hiện tại, Bắc Kinh đang đau đầu với những lời chỉ trích liên quan đến khoảng cách thu nhập đang ngày càng bị giãn ra giữa khu vực đô thị, các tỉnh thịnh vượng ở miền Đông của đất nước với khu vực nghèo nàn và lạc hậu thuộc miền Tây.

Do đó, những gì Trung Quốc đang thiếu là một bờ biển để những vùng nội địa xa xôi có khả năng vươn ra biển lớn, hòa nhập cùng với những khu vực kinh tế năng động nhất của thế giới.

Hơn nữa, với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, Myanma sẽ là nguồn cung cấp nguyên liệu thô thiết yếu cho sự phát triển của nghành công nghiệp năng lượng ở miền Nam Trung Quốc.

Trong khi đó, Ấn Độ cũng có tham vọng riêng của họ. Với chính sách "Hướng Đông", từ đầu những năm 90, Chính phủ Ấn Độ nỡ lực phục hồi, tăng cường quan hệ truyền thống cũng như mở rộng quan hệ với các quốc gia xa xôi khác. Và Myanmar chính là một nhịp cầu giúp Ấn Độ xích lại gần hơn với phần còn lại của châu Á, thậm chí thế giới.

So với Trung Quốc, Myanma cũng đóng vai trò quan trọng chiến lược đối với Ấn Độ.

Về phía Bắc, nơi Trung Quốc đang xây dựng đường ống dẫn dầu dọc theo bờ biển Myanma, Ấn Độ cũng đang bắt tay xây dựng một cảng biển quan trọng. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang xúc tiến việc khai thông tuyến đường thuỷ đặc biệt nối liền Assam với các tiểu bang miền Đông Bắc nước này vốn bị cô lập và hay xảy ra tình trạng xung đột.

Thậm chí, Ấn Độ còn có tham vọng mở lại tuyến đường lịch sử Stilwell phần lớn thuộc địa phận Myanmar. Stilwell từng là tuyến đường vận tải trọng yếu trong Thế chiến II được mở bởi quân đội Đồng minh nhưng sau này lại rơi vào lãng quên. Nó từng nối cực Đông của Ấn Độ với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Vì vậy, đối với Ấn Độ mà nói Myanmar đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với an ninh cũng như sự phát triển trong tương lai của vùng Đông Bắc nước này.

Do nắm giữ vai trò trọng yếu đối với cả hai gã khổng lồ của châu Á, nhiều người cảnh báo Myanmar có thể sẽ bị "giằng xé" bởi hai cường quốc mới nổi.

Song lạc quan hơn, nhiều nhà phân tích lại cho rằng, Myanmar có khả năng trở thành con đường tơ lụa mới, kết nối Trung Quốc và châu Âu.

Hơn lúc nào hết, ngã tư Myanmar không đơn giản chỉ là điểm giao nhau của các quốc gia. Ấn Độ và Trung Quốc, hai gã khổng lồ của châu Á sẽ nhờ Myanmar mà xích lại gần nhau hơn. Những khu vực xa xôi, hẻo lánh và bị "lãng quên" của Ấn Độ và Trung Quốc nhờ tuyến đường mới qua Myanmar mà có khả năng mở rộng giao lưu với những khu vực khác.

Do đó, có thể tin rằng trong tương lai, Myanmar, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ góp mặt vào cuộc cạnh tranh mới của châu Á, thậm chí còn có khả năng chi phối, làm thay đổi toàn bộ châu Á nếu biết nắm lấy cơ hội và tiến lên.

Theo Foreign Policy

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên