Hình ảnh minh họa loài khủng long có hóa thạch được phát hiện tại Patagonia, Chile, ngày 8/6/2023.
Theo báo cáo được đăng trên tạp chí Science Advances ngày 16/6, các nhà khoa học xác nhận đã phát hiện hóa thạch của một loài khủng long ăn cỏ chưa từng được biết đến ở Nam bán cầu tại Chile, qua đó mở ra khả năng mới về phạm vi sinh sống của loài khủng long mỏ vịt.
Với chiều dài lên tới 4m và nặng 1 tấn, khủng long Gonkoken nanoi sống cách đây 72 triệu năm ở cực Nam của khu vực ngày nay là Chilean Patagonia.
Giáo sư Alexander Vargas - Giám đốc mạng lưới cổ sinh vật học của Đại học Chile, một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu trên-cho biết: “Đây là những loài khủng long trông mảnh khảnh, có thể dễ dàng sử dụng tư thế 2 chân và 4 chân để tiếp cận thảm thực vật ở trên cao và mặt đất.”
Phát hiện mới này đã chứng minh rằng Patagonia (vùng đất tận cùng của châu Mỹ, thuộc lãnh thổ hai nước Chile và Argentina) từng là nơi sinh sống của loài khủng long mỏ vịt thời cổ đại từ 145 đến 66 triệu năm trước. Loài này vốn được cho là rất phổ biến ở Bắc Mỹ, châu Á và châu Âu trong kỷ Phấn trắng.
Theo Giáo sư Vargas, sự hiện diện của loài khủng long mỏ vịt ở vùng đất Nam bán cầu sẽ khiến các nhà khoa học ngạc nhiên. Giới khoa học sẽ phải tìm hiểu về việc tổ tiên của loài khủng long mỏ vịt đã tới được khu vực này như thế nào.
Gonkoken nanoi là loài khủng long thứ 5 được phát hiện ở Chile. Dấu tích của Gonkoken nanoi đã được tìm thấy năm 2013 và trong suốt những thập kỷ qua các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về loài này.
Tên gọi Gonkoken bắt nguồn từ ngôn ngữ Tehuelche - những cư dân đầu tiên trong khu vực - và có nghĩa là “giống như vịt trời hoặc thiên nga”./.
Theo TTXVN