Bác Hồ - một tình yêu bao la... - Bài 6

Cập nhật: 16-05-2015 | 08:59:05

Bài 6: Người mẹ của một thiên tài

Bà Hoàng Thị Loan sinh năm Mậu Thìn (1868) trong một gia đình nho giáo, trọng đạo ở làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đường, tỉnh Nghệ An (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) - một vùng quê giàu truyền thống văn hóa và lòng yêu nước.

 Phóng viên Báo Bình Dương dâng hoa tại phần mộ bà Hoàng Thị Loan Ảnh: C.KHANH

Được gia đình dạy dỗ chu đáo, bà sớm trở thành một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn. Vượt qua sự ràng buộc, môn đăng hộ đối của lễ giáo phong kiến, của dư luận hàng xóm, bà đã kết hôn với người con trai nghèo, mồ côi Nguyễn Sinh Sắc, chấp nhận cuộc sống khó khăn, vất vả về vật chất nhưng hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Bà đã cùng chồng sinh thành và dưỡng dục cho đất nước những người con ưu tú, trong đó đặc biệt có Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cứu tinh của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Suốt đời bà cần cù, giản dị, chịu thương, chịu khó lo trọn việc gia đình để chồng con yên tâm học hành, lập chí, lập nghiệp, sống gần gũi, chan hòa với bà con làng xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Năm 1895, để tạo điều kiện cho chồng theo học trường Quốc Tử Giám, bà đã cùng chồng đưa hai con trai vào Huế sinh sống. Ở chốn kinh kỳ, bà lại sắm khung cửi miệt mài dệt vải nuôi chồng ăn học thành tài và nuôi con khôn lớn. Năm Canh Tý (1900), bà sinh thêm người con thứ tư, đặt tên là Nguyễn Sinh Xin. Cuối năm đó, ngày 22 tháng chạp, trong khi ông Nguyễn Sinh Sắc đang về thăm quê sau kỳ coi thi ở Thanh Hóa thì bà mắc bệnh hiểm nghèo và đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay đau thương của cậu con trai 11 tuổi Nguyễn Sinh Cung. Thi hài bà được bà con lối xóm đưa qua cống Thanh Long, qua sông Gia Hội, ngược sông Hương, lên an táng tại chân núi Tam Tầng, thuộc dãy Ngự Bình.

Năm 1922, trong thời gian bị quản thúc tại Huế, nhân dịp được phép về thăm quê, bà Nguyễn Thị Thanh đã bí mật đưa hài cốt mẹ về an táng trong vườn nhà tại làng Sen. Đến năm 1942, sau khi hết hạn quản thúc được về quê sinh sống, vốn là người am tường thiên văn, địa lý, ông Nguyễn Sinh Khiêm đã đi khắp Nam Đàn tìm huyệt đất tốt để cải táng cho mẹ. Sau mấy tháng tìm kiếm, ông đã chọn được vị trí đẹp tại núi Động Tranh thấp thuộc dãy Đại Huệ, xã Nam Giang, rồi bí mật đưa hài cốt mẹ lên an nghỉ vĩnh hằng tại đây.

Theo thuyết phong thủy phương Đông, thế đất ở đây hội tụ đủ các yếu tố cần thiết của một huyệt đất tốt. Đầu mộ gối lên núi Động Tranh cao thuộc dãy Đại Huệ hùng vĩ, tầng tầng, lớp lớp làm Huyền Vũ. Chân mộ đạp lên con lạch nhỏ - từ Nộn Hồ chảy qua làm Tiểu mạch và xa hơn là dòng sông Lam huyền thoại chảy quanh làm Đại Mạch thủy. Đứng nơi đây có thể bao quát cả một vùng quê rộng lớn, sơn thủy hữu tình, nhìn thẳng về làng Chùa, làng Sen nơi chôn nhau, cắt rốn. Phía dưới là thung lũng Trãng Vương, tương truyền có huyệt mộ của tổ tiên Quang Trung Nguyễn Huệ. Địa thế tại khu mộ bà có núi Khe Cùng làm tả Thanh Long, núi Ao Hồ làm hữu Bạch Hổ, trước tiểu Minh Đường có một ngọn núi nhỏ là Động Dù làm bình phong án ngữ, xa xa có dãy Trà Sơn làm Triều Sơn chầu về, ở giữa có cánh đồng Lùm Cựu thoáng đãng làm Đại Minh đường…

Suốt cuộc đời bà Hoàng Thị Loan cần cù, giản dị, chịu thương, chịu khó lo trọn việc gia đình để chồng con yên tâm học hành, lập chí, lập nghiệp, sống gần gũi, chan hòa với bà con làng xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Năm 1895, để tạo điều kiện cho chồng theo học trường Quốc Tử Giám, bà đã cùng chồng đưa hai con trai vào Huế sinh sống. Ở chốn kinh kỳ, bà lại sắm khung cửi miệt mài dệt vải nuôi chồng ăn học thành tài và nuôi con khôn lớn.

Sau Cách mạng Tháng Tám, khi biết chắc Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Sinh Cung, người em trai thân yêu đã biền biệt bao năm của mình, ông Nguyễn Sinh Khiêm đã ra Hà Nội thăm em. Chuyến đi đó trở về, ông đã công khai cho bà con trong họ biết và đắp lại mộ mẹ bằng đá núi Đại Huệ. Năm 1983, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh đã ra Nghị quyết 03/NQ-TU chủ trương tôn tạo lại phần mộ của bà Hoàng Thị Loan để đáp lại công lao to lớn của bà đối với dân tộc, quê hương. Thực hiện chủ trương đó, ngày 19-5-1984, Đảng bộ, nhân dân Nghệ Tĩnh và lực lượng vũ trang Quân khu IV đã tổ chức lễ khởi công xây dựng khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Sau một năm khẩn trương thi công, ngày 19-5-1985, công trình đã được hoàn thành.

Phần mộ bà Hoàng Thị Loan được tôn tạo trên ngôi mộ cũ. Thân mộ được ốp bằng đá hoa cương đưa từ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào. Chân mộ được ốp bằng đá cầm thạch Quỳ Hợp (Nghệ An). Toàn bộ phần mộ được che bằng dàn hoa bê tông, kiểu dáng như dàn hoa ở Phủ Chủ tịch, đồng thời như một chiếc khung cửi cách điệu - một công cụ lao động gắn bó suốt đời với bà. Trên dàn hoa được phủ bằng những gốc hoa giấy được đưa từ khu mộ ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Cao Lãnh, Đồng Tháp về trồng.

Như vậy là sau 85 năm cách trở, ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan lại được gặp nhau bằng sự hiện hữu vật chất cụ thể; được cùng nhau ngậm cười nơi chín suối vì mọi ước nguyện lúc sinh thời nay đều đã trở thành hiện thực. Hai bên phần mộ là đường lên xuống với hàng trăm bậc lên và bậc xuống. Hàng ngày, những đoàn người hành hương viếng mộ bà với muôn màu sắc như dải lụa đào chuyển động qua khung cửi, gợi nhớ đến cuộc đời tần tảo nuôi chồng, nuôi con ăn học thành tài của bà. Xung quanh khu mộ là rừng cây đặc dụng, vườn cây lưu niệm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các địa phương trong cả nước đem về trồng để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với bà Hoàng Thị Loan, người đã có công sinh thành dưỡng dục cho đất nước ba người con ưu tú, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

 

Bài 7: Từ làng Sen đến Chiến khu Việt Bắc

 

 KIẾN GIANG

(Theo tư liệu tại Khu di tích Bác Hồ, Nam Đàn, Nghệ An)

 

 

 

Chia sẻ bài viết
Tags
Bác Hồ

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=793
Quay lên trên