Trong giai đoạn 2010- 2015, lĩnh vực dịch vụ của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế nhanh và bền vững của tỉnh. Chương trình phát triển dịch vụ chất lượng cao được triển khai thực hiện đồng bộ, thu hút mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh đã đề ra Chương trình Phát triển dịch vụ chất lượng cao giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020 của tỉnh Bình Dương. Mục tiêu của chương trình là phát triển mạnh khu vực dịch vụ và góp phần tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng. Chủ trương phát triển dịch vụ chất lượng cao này đã được Bình Dương triển khai quyết liệt, đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, chuyển đổi công năng các khu công nghiệp. Nhờ đó, lĩnh vực dịch vụ của tỉnh phát triển khá nhanh, nhất là dịch vụ chất lượng cao. Tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện và đã từng bước hình thành được trung tâm dịch vụ thương mại văn minh, khai thác lợi thế để phát triển dịch vụ logistics; dịch vụ thương mại gắn với vui chơi - giải trí, tài chính - tiền tệ, nhà ở, vận tải công cộng, viễn thông, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, giáo dục - đào tạo… tiếp tục phát triển mạnh, bảo đảm cho quá trình phát triển đô thị, phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, tạo sự chuyển biến trong mô hình và cơ cấu kinh tế.
Vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Thạnh Phước, TX.Tân Uyên. Ảnh: P.V
Trong giai đoạn 2010-2015, lĩnh vực dịch vụ của tỉnh tiếp tục phát triển khá nhanh, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế nhanh và bền vững của tỉnh. Chương trình phát triển dịch vụ chất lượng cao được triển khai thực hiện đồng bộ, thu hút mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn FDI. Tính đến năm 2015, giá trị dịch vụ tăng bình quân 20,9%. Dịch vụ tài chính - tiền tệ phát triển mạnh, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn và giao dịch trên địa bàn. Các ngân hàng đã không ngừng nâng cấp, đổi mới cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, mở rộng mạng lưới hoạt động. Điểm nổi bật của hoạt động ngành ngân hàng trong giai đoạn này không chỉ là phát triển các dịch vụ truyền thống mà còn triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ mới, dựa trên nền tảng công nghệ cao như thẻ đa năng, dịch vụ ngân hàng điện tử, hệ thống giao dịch tự động. Các ngân hàng cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành, giao dịch; song song với đó là phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, lắp đặt thêm máy giao dịch tự động (ATM), mở rộng việc trả lương qua tài khoản ở từng ngân hàng và cung cấp các sản phẩm dịch vụ mới như thanh toán tiền điện, nộp thuế điện tử...
Tỉnh cũng đã từng bước thực hiện chủ trương xây dựng, hình thành trung tâm thương mại - tài chính Thành phố mới Bình Dương. Dịch vụ bảo hiểm phát triển đa dạng; dịch vụ bưu chính, viễn thông, truyền hình thường xuyên được các nhà cung cấp nâng cấp với nhiều loại hình đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Trong việc thu hút, phát triển kinh tế, trong giai đoạn này Bình Dương thực hiện nhất quán chủ trương thu hút các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ logistics. Dịch vụ logistics tuy mới khởi đầu nhưng phát triển khá tốt, bước đầu đáp ứng yêu cầu gắn kết giữa sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế của Bình Dương phát triển. Hệ thống cảng sông được mở rộng, đang tiếp tục đầu tư một số cảng như: Tân Vạn, Bà Lụa, Thạnh Phước, An Sơn. Vận tải phát triển với nhiều loại hình, đặc biệt đã đưa vào sử dụng hệ thống xe buýt nhanh công cộng kết nối TP.Thủ Dầu Một và đô thị mới Bình Dương theo phương thức văn minh, hiện đại và thân thiện với môi trường, góp phần bảo đảm nhu cầu đi lại của nhân dân. Về hệ thống kho bãi hàng hóa, Bình Dương đã có nhiều doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực logistics tại các khu công nghiệp, bao gồm các lĩnh vực kinh doanh như: Vận tải và cho thuê container; xây dựng và cho thuê nhà xưởng, kho bãi; dịch vụ đóng nhãn, thu gom, phân phối hàng hóa; dịch vụ tư vấn hỗ trợ xuất nhập khẩu; dịch vụ giao nhận và khai báo hải quan… cơ bản đáp ứng yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các doanh nghiệp trong tỉnh và Đông Nam bộ… Theo tiến trình phát triển của tỉnh, những dự án đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Bình Dương ngày càng có quy mô hơn, mức độ chuyên môn hóa cao, cung cấp dịch vụ trọn gói đã và đang góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế của địa phương phát triển, đặc biệt là lĩnh vực lưu thông phân phối trong nước và xuất nhập khẩu.
Với chủ trương phát triển du lịch sinh thái ven sông, du lịch gắn với làng nghề truyền thống, trong giai đoạn này lĩnh vực du lịch tiếp tục phát triển (bình quân hàng năm tăng trưởng 17% về doanh thu và 5% về lượng khách). Tỉnh đã và đang triển khai tích cực Đềán phát triển du lịch, phát triển du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sản phẩm làng nghề truyền thống gắn với phát huy giá trị các di tích văn hóa lịch sử...
CAO SƠN