Kỳ 6: Phát huy nội lực
Cụ thể hóa chủ trương đổi mới - mở cửa để hội nhập và phát triển, Bình Dương đề ra nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm phát huy mọi nguồn lực trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Bình Dương đã phát huy hiệu quả nội lực để phát triển. Trong ảnh: Công ty Cổ phần Xe lửa Dĩ An hội nhập nhanh vào nền kinh tế thị trường nhờ phát huy tốt nội lực và truyền thống trong sản xuất, kinh doanh Ảnh: DUY CHÍ
Nhà nước và nhân dân cùng làm
Cùng với chủ trương huy động vốn từ nhiều nguồn để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, giai đoạn 1997-2000 tỉnh Bình Dương đã đầu tư trên 17.776 tỷ đồng vào hệ thống cơ sở hạ tầng. Song song đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn phát động phong trào giao thông nông thôn - chỉnh trang đô thị dựa trên chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, mỗi năm Bình Dương phát triển thêm hàng ngàn km đường giao thông.
Nhờ phát huy tốt nội lực, chỉ 4 năm sau ngày tái lập tỉnh tổng sản phẩm trong tỉnh đã tăng gần gấp hai lần. Theo đó, trong giai đoạn 1997-2000, tổng giá trị công nghiệp - dịch vụ - thương mại và nông nghiệp của Bình Dương tăng 13,7%. Đây là tốc độ tăng trưởng khá cao so với cả nước và các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bà Trần Thị Kim Vân, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, kết quả đạt được nói trên vừa là bước đột phá vừa thể hiện sự sáng tạo của tỉnh trong việc vận dụng chủ trương, chính sách để phát huy nội lực. Qua đó đã góp phần phát triển nhanh chóng hệ thống giao thông liên hoàn, đồng bộ; cải tạo và chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, sạch, đẹp.
Giai đoạn này, các thành phần kinh tế - xã hội của tỉnh đã đóng góp xây dựng gần 900 căn nhà tình nghĩa, tình thương; tặng trên 500 sổ tiết kiệm trị giá gần 9 tỷ đồng. Trong khi đó, các chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm của tỉnh đã giải ngân cho vay trên 200 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho trên 60.000 người. Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn tỉnh) giảm từ 12,2% xuống còn 2,8% vào năm 2000. Đến năm 2000, toàn tỉnh đã có 87,6% hộ sử dụng điện, 68,5% hộ nông thôn sử dụng nước sạch.
Dấu ấn người Bình Dương
Nhờ thực hiện tốt chủ trương đổi mới, mở cửa kinh tế, thu hút đầu tư mà các sản phẩm truyền thống của Bình Dương được thị trường thế giới chào đón như gốm sứ, sơn mài, thủ công mỹ nghệ... Ông Lý Ngọc Bạch, nghệ nhân ngành gốm sứ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Cường Phát cho biết, nhờ chủ trương đổi mới mở cửa của Đảng mà các mặt hàng truyền thống của Việt Nam nói chung và của Bình Dương nói riêng được thế giới biết đến. Riêng với Cường Phát, khi khách hàng đặt vấn đề hợp tác, được sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành của tỉnh, công ty đã nghĩ ngay đến việc đổi mới sản xuất từ thủ công nhỏ lẻ sang quy mô công nghiệp nhằm phát huy nội lực, năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Thông qua các hội chợ trong khu vực, công ty từng bước thay đổi công nghệ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có thể nói, nhờ sự chủ động đó đã giúp công ty đứng vững và phát triển cho đến ngày hôm nay.
Đối với Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương, từ một xí nghiệp sản xuất dép xốp sử dụng nguyên liệu cao lanh tại địa phương để xuất khẩu sang thị trường Đông Âu đã phát triển thành một tổng công ty quy mô như hiện nay. Từ nguồn nguyên liệu tại chỗ khá dồi dào đã giúp công ty phát huy tốt nội lực sẵn có để vươn lên trong những ngày đầu khó khăn. Ông Huỳnh Công Phát, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty nhớ lại: “Một trong những nội lực quan trọng giúp doanh nghiệp chúng tôi nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung phát triển tốt là nhờ biết huy động và phát huy tốt nội lực của mình. Ngày đó, đất Bình Dương rất nhiều tre, nứa, lồ ô, tầm vông... công ty đã liên kết với các nhà đầu tư sản xuất tăm tre, đũa tre xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản... Nhờ những bước đi đầu tiên nhưng rất chắc chắn, mang đậm dấu ấn của người Bình Dương mà chúng ta mới có cơ hội mở rộng sang nhiều lĩnh vực kinh tế khác như may mặc, gia công, sản xuất chế biến gỗ, rồi nâng lên các ngành kỹ thuật khác như chế biến thực phẩm, sản xuất ứng dụng công nghệ cao...”.
Kỳ 7: Tranh thủ ngoại lực
DUY CHÍ