Thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo (XĐGN) giai đoạn 1997-2005, Bình Dương đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ cho người nghèo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế của từng địa phương trong tỉnh. Chương trình mục tiêu XĐGN ở giai đoạn này đã thực sự đi vào lòng dân, được nhân dân tín nhiệm và ủng hộ đã góp phần nâng cao mức sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Ông Ninh Quốc Bình (trái), nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm hỏi hộ nghèo tại buổi tiếp xúc hộ nghèo
Những thành tựu đáng ghi nhận
Bình Dương được tái lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-1997. Theo tiêu chí hộ nghèo của Trung ương, nếu trước năm 1997, toàn tỉnh có 14.662 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,18%, đến cuối năm 2005, Bình Dương đã cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương và hoàn thành chỉ tiêu trước thời hạn 2 năm so với kế hoạch nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra cho giai đoạn 2001-2005. Bà Nguyễn Thị Kim, nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, trong năm đầu giai đoạn 2001-2005, Bình Dương có 8.980 hộ nghèo, chiếm 5,62% (tiêu chí 150.000 - 180.000 đồng) với 14 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 10 - 18%. Các xã nghèo tập trung ở các huyện phía bắc của tỉnh, người nghèo còn khó khăn nhiều thứ từ nhà ở, phương tiện đi lại, thông tin, vốn sản xuất, đất trồng trọt… Dưới ánh sáng nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, Ban chủ nhiệm giảm nghèo chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, thị, xã, phường, thị trấn đã quyết tâm thực hiện chương trình giảm nghèo và đạt được kết quả đáng khích lệ. Đến cuối năm 2003, Bình Dương đã cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh giai đoạn 2001-2003. Đây là bước đột phá mới trong chương trình XĐGN của tỉnh nhằm góp phần giúp cho Bình Dương ổn định phát triển kinh tế.
Để tiếp tục nâng cao mức sống của hộ nghèo, đầu năm 2004, Bình Dương tiếp tục nâng chuẩn hộ nghèo, cụ thể ở khu vực nông thôn tiêu chí hộ nghèo lên 200.000 đồng/ người/tháng và 250.000 đồng/ người/tháng ở thành thị; đồng thời xem trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên khắp các địa bàn của tỉnh. Với việc nâng cao chuẩn hộ nghèo theo tiêu chí mới, đầu năm 2004, Bình Dương có khoảng 8.434 hộ nghèo, tỷ lệ 4,5%. Đến cuối năm 2004, hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 2.765 hộ, chiếm tỷ lệ 1,6%, so với đầu năm giảm 2.501 hộ.
Trao tặng mái ấm tình thương cho hộ nghèo ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An Ảnh: T.VY
Hướng đi đúng
Chương trình XĐGN được xem là một chương trình mục tiêu quốc gia nên các các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn
thể đều tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện và phát động toàn dân tham gia chương trình XĐGN nhằm giúp cho các hộ nghèo, người nghèo nhanh chóng thoát nghèo, làm giàu chính đáng góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. Từ đầu năm 2001, UBND tỉnh đã phê duyệt chương trình XĐGN giai đoạn 2001-2005 và phân công thành viên phụ trách, chỉ đạo các huyện, thị, Ban chủ nhiệm cấp cơ sở được củng cố, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, biện pháp, tập trung cho công việc XĐGN, tăng cường giải quyết cho người nghèo thuộc diện KT3, hộ nghèo ĐBDTTS được vay vốn XĐGN, nâng mức vay bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/ hộ, cấp thẻ BHYT 100% cho hộ nghèo trong tỉnh…
Thực hiện chương trình XĐGN giai đoạn 2001-2005, với phương châm: “Bằng nguồn lực của Nhà nước và của toàn xã hội, tăng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cho vay vốn, trợ giúp đào tạo nghề… đối với người nghèo, xã nghèo và nhóm dân cư nghèo”, công tác XĐGN của các huyện, thị trong tỉnh mỗi năm đều có những thay đổi tích cực bằng các giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo phù hợp với môi trường phát triển về kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế của từng địa phương. Cụ thể huyện Tân Uyên, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và TX.Thủ Dầu Một là đơn vị có các chính sách giảm nghèo và giải quyết việc làm thích hợp nhất, trong đó xã Hội Nghĩa (Tân Uyên) và UBND huyện Tân Uyên là đơn vị điển hình đã thực hiện tốt các mô hình XĐGN như: Mô hình trang trại, chăn nuôi cụm, giải quyết việc làm thông qua học nghề để người lao động tự giải quyết việc làm cho bản thân, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về XĐGN.
Đi đôi với sự hỗ trợ của Nhà nước thì công tác XĐGN ở Bình Dương đã được xã hội hóa bằng nhiều hình thức phong phú nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những hộ nghèo khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Điển hình như ở xã Thường Tân (Tân Uyên) từ cấp ủy, UBND, UBMTTQ đến các đoàn thể xã quan tâm đến việc chăm lo cho người nghèo. Xã đã cấp đất cho hộ gia đình, UBMTTQ huyện cho mượn vốn không tính lãi để giúp hộ nghèo nuôi heo, bò; UBMTTQ tỉnh xây dựng nhà đại đoàn kết đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nghèo thoát khỏi cảnh khó khăn một cách bền vững. Riêng các ngành như LĐ- TB&XH luôn thực hiện tốt việc khảo sát thống kê, phân loại hộ nghèo, tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với Ban vận động “Ngày vì người nghèo” giúp đỡ thiết thực, phù hợp cho từng hộ nghèo…
Để có được kết quả đó, Bình Dương đã có nhiều mô hình XĐGN tiêu biểu, nhiều phong trào xã hội hóa trong chương trình XĐGN, nhiều tấm lòng hảo tâm hướng về người nghèo như: Những mô hình trợ giúp người nghèo ở khu dân cư, phương thức trợ vốn qua chương trình cho vay vốn không tính lãi của các hội, đoàn thể, phong trào xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo đã giúp hộ nghèo thấy được mình phải có trách nhiệm và phấn đấu hơn nữa, không trông chờ ỷ lại để phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Với những việc làm thiết thực phát huy mọi nguồn lực cho chương trình XĐGN đã khẳng định sự nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ; sự đúng đắn, phù hợp của các chính sách về an sinh xã hội và những cố gắng, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của hộ dân. Đó cũng chính là những yếu tố quan trọng, có tính quyết định để Bình Dương thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững trong suốt 20 năm qua.
T.LÝ