Với lợi thế về đất đai, giao thông, thủ tục hành chính đơn giản, nhanh gọn, hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh liên tục được đầu tư, hoàn thiện đạt đẳng cấp quốc tế trong những năm gần đây. Bình Dương tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Ấn Độ.
Hội nghị trực tuyến xúc tiến, thu hút đầu tư từ Ấn Độ
Tiên phong xúc tiến đầu tư trực tuyến
Chiều 14-12, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư Ấn Độ. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo Tổng Công ty Becamex IDC, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp (DN), doanh nhân và khoảng 100 nhà đầu tư Ấn Độ.
Từ đầu cầu Ấn Độ, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, cho biết Bình Dương hiện là tỉnh đi tiên phong về xúc tiến đầu tư bằng hình thức trực tuyến. Đây là mô hình chuyển đổi số đang được Chính phủ quan tâm. Sự phát triển năng động của Bình Dương trong thời gian qua được cộng đồng DN Ấn Độ quan tâm rất lớn. Qua đó, cho thấy sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành đã góp phần đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư của nhiều DN Ấn Độ. Hiện đang có một số tập đoàn lớn của Ấn Độ như ONGC - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ, Tập đoàn Essar, NTPC, HCL, GMR… đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Riêng Tập đoàn HCL đã phê duyệt kế hoạch đầu tư dài hạn vào Việt Nam với tầm nhìn, mục tiêu đào tạo, tuyển dụng, phát triển nhân lực cho một chuỗi trung tâm kỹ thuật công nghệ thông tin gồm 10.000 - 20.000 kỹ sư trên toàn bộ Việt Nam. Trước mắt, HCL cũng mong muốn thành lập một trung tâm công nghệ ở Việt Nam với vốn đầu tư lên đến 650 triệu USD, sẽ đào tạo và tuyển dụng khoảng 10.000 kỹ sư trong 5 năm tới.
Được biết, Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ trong ASEAN. Về hợp tác đầu tư, hiện Ấn Độ có 206 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn gần 900 triệu USD, đứng thứ 26 trong tổng số 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Riêng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Ấn Độ đã đầu tư 10 dự án với tổng số vốn 116 triệu USD.
Sẵn sàng đón dòng vốn từ Ấn Độ
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Thao cho biết trong những năm qua Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phát triển kinh tế; tập trung mọi nguồn lực để hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các DN trong và ngoài nước.
Trong năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, song tỉnh Bình Dương vẫn nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 6,91%; GRDP bình quân đầu người đạt 151 triệu đồng/năm. Trong năm 2020, tỉnh đã thu hút được thêm 1,84 tỷ USD vốn FDI. Đến nay, Bình Dương có 3.928 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký trên 35,4 triệu USD.
Song song việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương cũng tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã thiết lập mối quan hệhợp tác song phương với 10 tỉnh, thành phố nước ngoài và là thành viên chính thức, là đối tác tin cậy của 4 tổ chức hợp tác quốc tế đa phương, bao gồm: Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA), Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Horasis và Hiệp hội Trung tâm thương mại thế giới (WTCA).
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Thao nhấn mạnh Bình Dương là một trong những địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, định hướng tương lai trở thành Vùng đổi mới sáng tạo. Tỉnh luôn cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng; quy hoạch xây dựng và mở rộng các khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư; quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; triển khai đào tạo nguồn nhân lực, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho DN đến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tin rằng, Bình Dương sẽ trở thành một địa phương năng động, đổi mới, thuận lợi, an toàn và là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, DN Ấn Độ.
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Bình Dương mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hợp tác tích cực từ các cơ quan, tổ chức của hai quốc gia, hỗ trợ cho tỉnh trong các mối quan hệ nhằm nâng tầm hợp tác song phương và đa phương, tạo ra những bước tiến mới trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và tạo đà phát triển mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bình Dương mong muốn các nhà đầu tư, DN, doanh nhân Ấn Độ sẽ đến với tỉnh để tìm hiểu cơ hội, nhằm tạo ra thật nhiều mối quan hệ và hợp tác cho các nhà đầu tư cả hai nước trong thời gian tới. Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.Hồ Chí Minh: Chúng tôi rất ấn tượng trước việc phát triển vượt bậc của Bình Dương. Thông qua hội thảo lần này chúng tôi mong muốn đưa các DN tiếp cận nhanh về đầu tư tại Bình Dương, bởi nơi đây có cơ sở hạ tầng tốt nhất và gần cảng biển, sân bay; đặc biệt nằm sát bên TP.Hồ Chí Minh - trung tâm phát triển kinh tế số một của Việt Nam. Ông Sanjay Jain, Giám đốc Tài chính, Công ty Wipro Consumer Care Việt Nam: Tôi thực sự hài lòng khi lựa chọn Bình Dương là nơi đặt nhà máy sản xuất, kinh doanh. DN chúng tôi luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển. Hầu hết các sản phẩm của chúng tôi sản xuất tại đây đều được xuất khẩu ra thế giới. Trong 3 năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, cũng như sẽ cam kết đầu tư lâu dài với Bình Dương. |
NGỌC THANH