Theo khảo sát, suy nghĩ "thoát bớt ứng dụng để nhẹ máy" chủ yếu đến từ những người dùng vốn đã thông thạo với máy tính, bởi họ thường xuyên gặp cảnh PC chạy "ì ạch" mỗi khi mở nhiều ứng dụng hoặc cửa sổ trình duyệt, khiến bộ nhớ RAM bị chiếm dụng.
Tuy nhiên hệ điều hành di động, hay cụ thể hơn là nền tảng iOS chạy trên iPhone, iPad không hoạt động giống như một cỗ máy tính truyền thống. Qua đó, việc thoát hoàn toàn các ứng dụng sẽ không giúp cải thiện hiệu năng cũng như thời lượng pin như phần đông người dùng vẫn lầm tưởng.
Trên thực tế, thao tác "vuốt ngang" để đóng ứng dụng còn mang đến những hậu quả bất ngờ. Điều này được chính Giám đốc phát triển và giám sát sản phẩm của Apple là John Gruber nhận định.
Ông cho biết việc đóng hoàn toàn các ứng dụng sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian hơn để mở lại chúng, hoặc chuyển đổi giữa nó và các tác vụ khác. Việc bất ngờ tắt ứng dụng mà không báo trước cũng làm tăng tỷ lệ gặp lỗi của chúng, và của cả hệ điều hành iOS. Tuy việc này không xuất hiện một cách thường xuyên, nhưng rõ ràng là bạn không cần phải thực hiện những thao tác thừa trên thiết bị của mình.
Cũng theo ông Gruber, các ứng dụng nếu như không hiện hành, sẽ được đưa vào trạng thái đóng băng, tức hoàn toàn không hoạt động và chiếm dụng tài nguyên bộ nhớ, trừ một vài ứng dụng đặc biệt như trình phát nhạc. Điều này hoàn toàn khác với việc thu nhỏ cửa sổ về thanh Taskbar giống như trên Windows.
Các ứng dụng này cũng không "hút pin" trong quá trình sử dụng cũng như khi đang ở chế độ chờ. Do đó, người dùng có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng mà không phải lo "ngay ngáy" đến việc thoát chúng ra.
Theo Dân trí