Những ngày gần đây liên tiếp xuất hiện các trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, TP.Hồ Chí Minh, đặc biệt đã có trường hợp tử vong. Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, ngành y tế tỉnh đã chủ động chỉ đạo các địa phương tăng cường phòng, chống bệnh, đẩy mạnh công tác truyền thông sức khỏe đến tận gia đình, cơ sở giáo dục, các khu công nghiệp.
Phụ huynh đưa trẻ em tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu
Phát huy vai trò cán bộ y tế khu phố, ấp
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh bạch hầu, các địa phương trong tỉnh phát huy vai trò cán bộ y tế khu phố, ấp, cử cán bộ y tế xuống tận khu nhà trọ, khu dân cư để hướng dẫn người dân về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng tránh bệnh bạch hầu.
Bác sĩ ĐỗViệt Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tếTP.Dĩ An, cho biết hiện nay toàn thành phố có hơn 500 nhân viên y tế ở tổ dân phố, khu phố. Đây là lực lượng tích cực tham gia các chương trình tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe ban đầu cho người dân. Trong đó, chú trọng vai trò của y tế khu phố trong hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức phòng, chống bệnh bạch hầu. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế thành phố còn tổ chức lớp tập huấn phòng, chống bệnh bạch hầu cho nhân viên y tế ở các phường. Trong đó hướng dẫn các bước phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền đến người dân; phát tờ rơi phòng, chống bệnh bạch hầu tới các công ty có đông công nhân lao động.
Những ngày gần đây, cô Nguyễn Thị Lòn, cán bộ y tế khu 5, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một thường xuyên đến các gia đình hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe ban đầu, giúp bà con phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bệnh bạch hầu hiệu quả. Cô Lòn chia sẻ trong thời gian này, cô đã phối hợp với các đoàn thể của khu phố tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu thông qua các buổi họp tổ dân phố và trên loa truyền thanh. Cô còn đến từng nhà để phát tờ rơi cho các hộ dân, giúp người dân chủ động bảo vệ sức khỏe.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Hiện nay và nhiều năm trước đó, Bình Dương chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh bạch hầu. Bình Dương tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh, làtỉnh cónhiều khu công nghiệp, đông công nhân lao động, đặc biệt làlao động ởcác tỉnh, thành khác đến làm ăn, sinh sống nên nguy cơ xâm nhập bệnh bạch hầu làrất cao.
Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trong và ngoài ngành chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan và bùng phát trên địa bàn. Theo đó, ngành y tế tỉnh cần giám sát chặt chẽ tình hình bệnh bạch hầu và dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè, dịch bệnh Covid-19, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, xử lý kịp thời, triệt để không để dịch bệnh bùng phát”. Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng thông điệp và nội dung truyền thông phòng, chống bệnh bạch hầu với nhiều hình thức tuyên truyền, phù hợp để tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng, các địa phương, cơ sở giáo dục, khu công nghiệp và cơ quan liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền cho người dân về biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và tổ chức tốt việc thu dung, khám, phân loại và điều trị bệnh nhân bạch hầu. Bảo đảm điều trị tại chỗ những trường hợp nhẹ, không chuyển tuyến khi không có chỉ định nhằm hạn chế lây nhiễm chéo và không để tử vong do bạch hầu. Thực hiện nghiêm túc công tác thống kê báo cáo dịch, duy trì hoạt động đường dây điện thoại nóng, thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn và yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.
Ghi nhận của chúng tôi tại các huyện, thị, thành phố cũng đẩy mạnh truyền thông trực tiếp để người dân chủ động phòng, chống bệnh. Đặc biệt, cán bộ y tế tại các trạm y tế tuyên truyền rõ lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu bảo đảm đủ mũi và đúng lịch. Bác sĩBùi Công Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Hiện trung tâm tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường triển khai công tác phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn. Phát huy vai trò y tế khu, ấp đến tận gia đình tuyên truyền, vận động người dân đưa con em tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Vắc xin này được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ từ 2 đến dưới 18 tháng tuổi”.
KIM HÀ