Chủ động phòng chống dịch bệnh

Cập nhật: 17-04-2018 | 07:59:59

Mùa mưa đang tới gần, hơn bao giờ hết, công tác phòng chống dịch bệnh lây truyền trong đó có bệnh sốt xuất huyết (SXH), bệnh do vi rút Zika và bệnh tay chân miệng (TCM) được ngành y tế đặc biệt quan tâm. Chiến dịch Tổng vệ sinh môi trường, truyền thông phòng chống dịch bệnh do SXH, bệnh do vi rút Zika và bệnh TCM năm 2018 cấp tỉnh vừa được phát động tại TX.Dĩ An. Chiến dịch năm nay được tổ chức sớm hơn mọi năm nhằm chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh…

 SXH đang gia tăng

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, từ cuối năm 2017 đến nay, số trường hợp SXH trên địa bàn tỉnh vẫn đang gia tăng. Tính đến hết quý I-2018, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.230 trường hợp mắc SXH (trong đó có 1 ca tử vong, so với cùng kỳ tăng 1,57%), có 355 trường hợp mắc bệnh TCM (tăng 79,3% so với cùng kỳ); chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika. Trường hợp tử vong do SXH được ghi nhận tại khu phố Bình Phước B, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng quá nên được Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới (TP.Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, do bệnh nặng nên bệnh nhân được người nhà xin về và đã tử vong. Sau khi nhận được thông tin về ca tử vong này, Trung tâm Y tế TX.Thuận An đã phối hợp với địa phương triển khai ngay các biện pháp phòng chống, xử lý ổ dịch tại chỗ theo đúng quy trình. Bác sĩ Trần Thị Mười, Phó khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế TX.Thuận An nói: “Chúng tôi đã tiến hành xác minh khoanh vùng và tiến hành phun thuốc dập dịch diện rộng ở khu vực có người tử vong và xung quanh khu vực đó. Công tác phòng chống dịch trên các địa bàn khác cũng được triển khai thường xuyên…”.

Phát động, ra quân Chiến dịch Tổng vệ sinh môi trường, truyền thông phòng chống dịch bệnh do sốt xuất huyết, bệnh do vi rút Zika và bệnh tay chân miệng tại TX.Dĩ An

Thời tiết diễn biến thất thường, mùa mưa lại đang tới gần nên dự báo tình hình dịch bệnh, trong đó có SXH sẽ gia tăng trong thời gian tới. Do đó, vấn đề phòng chống SXH ở từng hộ gia đình, khu dân cư phải được thực hiện thường xuyên thì mới hạn chế được sự lây truyền trong cộng đồng.

Chủ động phòng chống dịch bệnh

Hiện nay, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, tái nổi trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, trong đó có nhiều bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng ngừa, như bệnh SXH, bệnh do vi rút Zika, bệnh TCM… do đó công tác phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Theo bác sĩ Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người tỉnh Bình Dương, thực trạng đó có những nguyên nhân khách quan như do biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa nhanh, giao thương giữa các vùng miền, giữa các nước thuận tiện… Tuy nhiên, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, có những nguyên nhân chủ quan từ chính chúng ta, đặc biệt là các cấp, các ngành, các địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự vào cuộc quyết liệt. Bên cạnh đó, việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh của người dân cũng còn hạn chế, tạo cho dịch bệnh có điều kiện lây lan.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, trong đó có công tác chủ động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh đã chỉ đạo rất sát sao công tác phòng chống dịch bệnh bằng nhiều giải pháp quyết liệt. Hàng năm (từ năm 2011 đến nay), ngành y tế đều triển khai chiến dịch Tổng vệ sinh môi trường, ra quân đồng loạt diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn tỉnh với sự tham gia của các sở, ban ngành, các địa phương và cộng đồng dân cư. Chiến dịch đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác phòng chống dịch bệnh SXH, bệnh do vi rút Zika và bệnh TCM. Tuy nhiên, kết quả mang lại vẫn chưa được như mong muốn, trong đó nguyên nhân chủ yếu là nhiều người dân, nhiều hộ gia đình, khu, ấp, công sở, trường học chưa thật sự tự giác tham gia vào công tác phòng chống dịch. Ngày 14-4 vừa qua, ngành y tế đã chọn TX.Dĩ An làm nơi phát động chiến dịch cấp tỉnh năm 2018. Chiến dịch năm nay tập trung thực hiện quyết liệt các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, duy trì hoạt động vệ sinh môi trường hàng tuần nhằm đưa việc diệt lăng quăng trở thành hoạt động thường xuyên trong nhận thức, hành động của mỗi ngành, mỗi người dân.

Để phát huy hiệu quả chiến dịch, ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, các cấp, các ngành cần tổ chức triển khai quyết liệt hoạt động phòng chống dịch bệnh SXH, bệnh do vi rút Zika và bệnh TCM ngay từ hộ gia đình cho đến cộng đồng trên tất cả 9 huyện, thị, thành phố. Một trong những biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của mỗi gia đình, mỗi người. “Từng hộ gia đình, mỗi người dân hãy dành thời gian ít nhất 30 phút mỗi tuần để thực hiện việc kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng ở các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà bằng cách thường xuyên cọ rửa các vật dụng chứa nước sinh hoạt; lật úp hoặc đập bỏ các vật dụng có thể chứa nước không cần thiết; thu gom, xử lý tất cả các vật phế thải để không cho muỗi đẻ trứng. Khi không có dịch bệnh xảy ra, cần phối hợp và tạo điều kiện cho ngành y tế phun hóa chất diệt muỗi, tránh hiện tượng bỏ sót các hộ gia đình trong vùng dịch không được phun hóa chất. Hãy thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho người chăm sóc trẻ và trẻ, rửa tay trước khi nấu ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, cọ rửa các dụng cụ, đồ chơi hàng tuần để phòng bệnh TCM. Bởi biện pháp phòng 3 bệnh trên tốt nhất đó là diệt muỗi, diệt lăng quăng, phòng chống muỗi đốt, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân”, bác sĩ Hà nói.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=672
Quay lên trên