Chú trọng sự đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 02-11-2018 | 07:15:11

Thời gian gần đây Bình Dương đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh đã có 46/49 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Điều đáng mừng là các xã NTM có sự đổi mới ngày càng rõ nét, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao.

 Bộ mặt nông thôn các xã NTM trong tỉnh thay đổi mạnh mẽ. Trong ảnh: Đường vào trung tâm xã NTM Thạnh Hội, TX.Tân Uyên. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

 Chuyển biến rõ nét

Xã An Tây, TX.Bến Cát là một trong những xã được công nhận đạt chuẩn NTM của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015. Hiện nay, địa phương tiếp tục đầu tư nâng chất các tiêu chí NTM. Xây dựng NTM, thời gian qua kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn đã được địa phương quan tâm đầu tư nâng cấp, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa. Hiện hệ thống đường trục xã, liên xã, đường trục chính nội đồng trong toàn xã được cứng hóa 100%; cùng với đó hệ thống điện được đầu tư nâng cấp ngày càng hoàn thiện.

Đối với xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2015. Trong giai đoạn 2016- 2018, xã tiếp tục thi công xây dựng 16 công trình giao thông nông thôn và xây dựng cơ bản với tổng vốn đầu tư 15,4 tỷ đồng. Đến nay, mạng lưới điện quốc gia đã phủ kín trên địa bàn xã, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Ông Trương Văn Thanh Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội, cho biết xã đang tập trung xây dựng trở thành một xã NTM có kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội hiện đại, phù hợp với vùng nông thôn, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái vườn...

Có thể thấy, từ chương trình xây dựng NTM, đến nay tỷ lệ đường giao thông nông thôn ở các xã NTM trong tỉnh được cứng hóa đạt 90%, hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới cho rau màu, cây ăn quả đạt 100%, tỷ lệ nhà ở nông thôn đạt chuẩn đạt 100%, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia đạt gần 100%. .

Tạo sự đồng thuận cao

Những năm qua, tỉnh rất chú trọng đến công tác thông tin tuyên truyền về xây dựng NTM. Các hình thức tuyên truyền về xây dựng NTM được các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện ngày càng phong phú, đa dạng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động văn hóa - văn nghệ và qua trực quan bằng panô, áp phích… Qua hoạt động tuyên truyền đã tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức cho người dân trong toàn tỉnh về xây dựng NTM.

Đến nay, toàn tỉnh còn 3 xã đã đạt từ 16 - 18 tiêu chí NTM, đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2018. Tỉnh phấn đấu trong năm 2019 có 5 - 7 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, kiểu mẫu; có thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM, nâng tổng số huyện, thị đạt chuẩn NTM lên 5 huyện, thị. Đến năm 2020, tỉnh phấn đấu có 12 - 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu; có 6 huyện, thị đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (riêng TX.Thuận An còn 1 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nên không làm hồ sơ đề nghị công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ NTM).

Trong giai đoạn 2016-2018, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong toàn tỉnh hơn 6.318 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 45,29%, vốn doanh nghiệp 8,33%, vốn cộng đồng dân cư 15,74%, vốn tín dụng 27,47%, còn lại là vốn khác. Có thể khẳng định, chương trình xây dựng NTM đã tạo sự đổi mới quan trọng ở các xã NTM trong toàn tỉnh. Kết quả nổi bật là đến nay, tỷ lệ đường giao thông nông thôn tại các xã NTM được cứng hóa đạt 90%, các đường trục xã, liên xã đều được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% các tuyến đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện…

Bà Hồ Thị Quang Ngọc, Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh, cho biết trong quá trình xây dựng NTM tỉnh luôn coi trọng công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng để vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận cao và huy động các tầng lớp nhân dân tham gia. Chính vì thế, các cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện xây dựng NTM; ghi nhận những đóng góp của nhân dân, đề xuất khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân điển hình trong xây dựng NTM. Cùng với đó, trong xây dựng NTM mới tỉnh luôn lấy người dân làm trọng tâm; các công trình xây dựng, nhất là giao thông nông thôn, phải công khai, dân chủ trên cơ sở “dân biết, dàn bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”. Nhờ đó đã tạo sự đoàn kết, đồng lòng cùng nhau góp phần xây dựng NTM trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.

Chính từ chủ trương ban đầu là không chạy theo hình thức, chú trọng đến chất lượng xây dựng NTM nên chương trình NTM của Bình Dương đã đi đúng hướng, vững chắc; không có địa phương nào trong tỉnh xảy ra nợ công trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chương trình NTM. Nhờ sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của nhân dân trong tỉnh, chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã có sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển khu vực nông thôn…

THOẠI PHƯƠNG 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1366
Quay lên trên