Trong y học, thuốc nam vô cùng quý giá, rất cần thiết trong việc chữa bệnh. Cùng chung tay bảo vệ cây thuốc nam, nhiều tập thể như Hội Chữ thập đỏ (CTĐ), trường học, trạm y tế… trên địa bàn tỉnh đã có những mô hình hay, thiết thực nhằm bảo tồn và phát triển cây thuốc nam.
Trồng cây thuốc nam để cứu người
Đã nhiều tháng nay, nhiều hội viên của Hội CTĐ phường Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một) đã thay nhau chăm sóc vườn cây thuốc nam do Hội CTĐ phường phát động. Khu vườn nhỏ xinh được trồng trong khuôn viên UBND phường với khoảng 50 loại cây thuốc gần gũi, thường xuyên được sử dụng trong cuộc sống thường ngày. Chị Võ Thị Hải Yến, Phó Chủ tịch Hội CTĐ phường Phú Cường cho biết, hưởng ứng phong trào trồng cây thuốc nam cứu người, thời gian qua, Hội CTĐ phường đã phát động cho hội viên cùng tham gia. Đến nay, toàn chi hội có rất nhiều hội viên trồng cây thuốc nam. Nhiều hội viên tìm được cây thuốc đã đưa lên khuôn viên của UBND phường trồng, có hội viên tự trồng tại nhà…
Các hội viên CTĐ phường Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một) đang khôi phục lại vườn cây thuốc nam trong khuôn viên UBND phường
Cô Nguyễn Thị Loan, Chi hội trưởng Chi hội CTĐ khu phố Đồng An 3, phường Bình Hòa (TX.Thuận An) chia sẻ, do đa phần gia đình hội viên ở đô thị, nên diện tích đất trồng cây thuốc nam rất ít. Vì vậy, mỗi gia đình trồng cây thuốc ở chậu, thùng xốp hoặc nhựa để ở vỉa hè nhà, ở ban công. Cô dành diện tích ở sân thượng của ngôi nhà để trồng các loại rau xanh, hương nhu, cây lược vàng, lá lốt, bạc hà… Chi hội của cô cũng thường xuyên phổ biến kiến thức về tác dụng của từng loại cây nhằm kịp thời sơ cấp cứu cho bệnh nhân.
Đến nay, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh cũng đã xây dựng “Góc CTĐ”, một số trường học trồng cây thuốc nam không chỉ để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho học sinh, mà còn nhằm tạo một môi trường xanh - sạch - đẹp như trường Mầm non Ánh Dương (xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng) là một điển hình như thế. Hầu hết, các trạm y tế xã/phường toàn tỉnh đều có vườn thuốc nam mẫu, có phòng khám và điều trị theo phương pháp y học cổ truyền. Nhiều vườn thuốc nam mẫu được hình thành tại các vùng quê; trong đó có sự hướng dẫn, tuyên truyền để người dân hiểu và biết cách chữa các bệnh thường gặp bằng cây thuốc nam.
Thuốc nam ở quanh ta
Thuốc nam thực chất không ở đâu xa mà ở ngay xung quanh chúng ta. Trong các loại cây xanh, rau, củ, quả kể cả cỏ cây đều mang dược tính quý giá và cần thiết cho việc chăm sóc sức khỏe người dân, rất cần được tích cực sưu tầm và nghiên cứu. Trong văn hóa ẩm thực của người Việt, việc ăn uống cũng được người dân áp dụng dược tính của thuốc nam để điều hòa âm dương trong cơ thể con người. Chẳng hạn như khi nấu canh cải xanh người ta sẽ kết hợp với gừng cho ấm bụng, hay nấu cháo bỏ thêm lá tía tô, nhiều tiêu để trị cảm lạnh… Đây đều là những bài thuốc quý giá được ông cha ta để lại và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Những bài thuốc này thực chất chưa hề “lỗi thời”, vẫn được người dân áp dụng thường xuyên hoặc “vô tình” áp dụng trong cuộc sống, trong cách ăn, cách uống đời thường.
Nói về tính dược của thuốc nam, các bậc lương y đã có những câu thơ ví von ngắn gọn mà súc tích như: “Cây bùm sụm chát tình giúp cật, thanh bàng quang lại giải trái bang, trợ mạnh tỳ giúp vị đặng an, bệnh tích tụ cần dùng thông đạt” hay “Cam thảo đất ngọt lành nhuận huyết, hậu nhẫn hơi rồi lại thanh đàm, giải nhiệt ban trái cứu an, thanh gan thận nhị đều mát”. “Di sản cây thuốc nam đang ngày càng bị mai một, mỗi cá nhân chúng ta cần góp nhặt thêm kiến thức về di sản cây thuốc nam quý giá để cùng bảo tồn, phát triển và sưu tầm thêm tính dược của cây thuốc. Thay vì diệt cây thuốc để trồng các loại cây công nghiệp có giá trị khác, chúng ta có thể giữ lại để dùng hoặc chia sẻ cho mọi người cùng dùng, không trồng được, hãy chia sẻ cho người cần trồng, hành động tuy nhỏ nhưng góp phần rất lớn trong việc bảo tồn cây thuốc nam. Kèm theo đó, hãy nói không với việc khai thác cây thuốc quý mà không chú ý đến việc tái sinh để bảo tồn và phát triển di sản cây thuốc nam”, một lương y cho biết.
HUỲNH THỦY