Đó là chủ đề của Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm nay, với chiến dịch nổi bật là “40 giây hành động”. Với chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới cũng như các nước tham gia mong muốn huy động sự chung tay của toàn xã hội trong việc ngăn ngừa nạn tự tử...
Các thầy thuốc Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ khám bệnh cho người bệnh tâm thần tại Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên
Vấn đề đáng báo động
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tự tử là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ hai ở thanh thiếu niên, đặc biệt là ở độ tuổi từ 15 - 29. Theo bác sĩ Khổng Thị Oanh, phụ trách khoa phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tự tử không chỉ đơn giản là kết thúc cuộc sống của một cá nhân, mà còn là một sang chấn tâm lý (sốc) đối với người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng nơi người tự tử đang sinh sống. Những người thân có xu hướng sẽ che giấu việc gia đình có người tự tử. Họ thường mặc cảm sẽ bị xã hội đổ lỗi, đánh giá cho dù nguyên nhân dẫn đến tự tử là gì. Bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng thì gia tăng lo lắng về cuộc sống, thay đổi thế giới quan về ý nghĩa của sự sống.
Các nghiên cứu cho thấy, số người tự tử ở các nước Đông Nam Á chiếm gần 40% số vụ tự tử trên thế giới. Tỷ lệ tự tử ở Việt Nam ngày càng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt ở nhóm thanh thiếu niên. Tự tử đang trở thành vấn đề báo động trong xã hội hiện đại. Mỗi cái chết đều mang lại nỗi đau lớn cho gia đình, bạn bè và người thân của họ. Tuy nhiên, tự tử có thể ngăn chặn được. Đó cũng là lý do vì sao Tổ chức Y tế thế giới chọn chủ đề Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm nay là “Ngăn ngừa tự tử”.
Chia sẻ để ngăn ngừa
Bác sĩ Oanh cho rằng tự tử có thể xảy ra đối với bất kỳ ai, thuộc mọi lứa tuổi. Tự tử có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, như mối quan hệ tan vỡ, bệnh tật, phá sản, thất bại trong cuộc sống, bị lạm dụng, phân biệt đối xử. Đặc biệt, trong xã hội ngày nay, tự tử và các rối loạn tâm thần có mối liên quan rất lớn, nhất là trầm cảm và sử dụng rượu.
Tỷ lệ tự tử ở lứa tuổi từ 15 - 29 thường xảy ra một cách bốc đồng trong khoảnh khắc khủng hoảng. Nguyên nhân thường gặp ở lứa tuổi này tập trung vào các vấn đề như tình cảm, mâu thuẫn với cha mẹ, áp lực về kỳ vọng vào bản thân, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục, bắt nạt học đường và gần đây là sự tấn công qua mạng xã hội, internet…
Tuy nhiên, theo bác sĩ Oanh tự tử có thể ngăn ngừa được bằng cách chia sẻ 40 giây của bạn mỗi ngày để quan tâm đến những người xung quanh. Đây là cách tốt nhất để cùng chung tay phòng chống tự tử: 40 giây để nói lên cảm xúc, khó khăn, áp lực của mình với người bạn tin tưởng. 40 giây để lắng nghe nỗi buồn của người bên cạnh bạn. 40 giây trò chuyện với người đang gặp khó khăn mà bạn biết. 40 giây để chia sẻ những điều tích cực, thông điệp hy vọng đến mọi người xung quanh bạn. “Xây dựng khả năng đối phó với căng thẳng trong cuộc sống là một quá trình kéo dài suốt đời mỗi người. Tại gia đình, tại trường học, nơi làm việc, từ cả các nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe nhằm phát hiện những dấu hiệu tự tử. Phòng ngừa tự tử không phải trách nhiệm của riêng ai mà cần có sự chung tay của toàn xã hội”, bác sĩ Oanh nói.
CẨM LÝ