Trung tướng Phạm Tuân và Thiếu tướng Vichtor Gorbatco.
Sáng 22-7, tại Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự và Hội hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga đã tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm chuyến bay vũ trụ Việt-Xô (23/7/1980-23/7/2015).
35 năm trước, khi vừa được thống nhất, bộn bề công việc phải giải quyết sau chiến tranh, nhưng Việt Nam và Liên Xô đã bắt tay vào chuẩn bị và thực hiện thành công chuyến bay vũ trụ Việt-Xô.
Vào hồi 21 giờ 33 phút 3 giây (giờ Moskva) ngày 23-7-1980, từ sân bay vũ trụ Baikonur, tàu “Liên hợp 37” được phóng lên vũ trụ với đội bay quốc tế gồm Anh hùng Phạm Tuân, nhà nghiên cứu-du hành vũ trụ Việt Nam và nhà du hành vũ trụ hai lần Anh hùng Liên Xô Vichtor Gorbatco, chỉ huy tàu.
Đây là chuyến bay đầu tiên của người Việt Nam và châu Á vào vũ trụ, trở thành một sự kiện quan trọng trong đời sống của nhân dân hai nước; là biểu tượng về quan hệ hữu nghị, sự hợp tác toàn diện, giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam-Liên Xô.
Chuyến bay lịch sử đó đã đặt cơ sở và tạo dựng truyền thống cho công cuộc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ ở Việt Nam.
Sau chuyến bay phối hợp đó, Việt Nam tiếp tục hợp tác với Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay cũng như nhiều nước và tổ chức quốc tế để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ.
Năm 1995, Việt Nam khởi động dự án quốc gia VINASAT-1 và được phóng lên quỹ đạo ngày 19/4/2008 với 20 bộ phát đáp. Sau đó, VINASAT-2 được phóng vào tháng 5/2012 với 24 bộ phát đáp của băng tần Ku.
Việc phóng vệ tinh VINASAT-1 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn chỉnh hệ thống viễn thông Việt Nam. Với VINASAT-1, Việt Nam có thêm vệ tinh viễn thông và nhờ đó chủ động trong việc kết nối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đào Trọng Thi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga nhấn mạnh Việt Nam và Liên bang Nga tuy cách xa nhau về mặt địa lý nhưng lại gắn bó với nhau bởi tình hữu nghị truyền thống vững bền suốt 65 năm qua. Các thế hệ người Việt Nam và Nga luôn cùng nhau xây đắp tình cảm thủy chung gắn bó đó.
Trong thời gian qua, thế giới có nhiều biến động, nhưng mối thiện cảm và tình hữu nghị truyền thống Việt-Nga vẫn không hề thay đổi. Nhân dân Việt Nam không quên sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình, hiệu quả của nhân dân Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay dành cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam trong suốt 65 năm qua.
Ngày nay, Việt Nam và Liên bang Nga đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tình hữu nghị truyền thống Việt-Nga đã thử thách qua thời gian và ngày càng được tăng cường giữa nhân dân hai nước; sự hợp tác của giữa hai nước là trong sáng, hiệu quả, bao gồm cả hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ giữa hai nước.
Phát huy kết quả và truyền thống của chuyến bay vũ trụ phối hợp 35 năm trước, sự hợp tác Việt-Nga về vũ trụ ngày càng phát triển, từng bước vươn những tầm cao mới.
Chia sẻ với các đại biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng, Anh hùng, Phi công vũ trụ Liên Xô Vichtor Gorbatco cho biết chuyến bay vào vũ trụ thành công đó đã trở thành một dấu mốc quan trọng của tình hữu nghị và anh em giữa hai dân tộc Việt-Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay.
35 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức về chuyến bay ấy vẫn in đậm trong trái tim của ông. “Cuộc đời đôi khi sắp đặt khiến cho tôi không được mấy dịp gặp lại người anh em vũ trụ của mình Phạm Tuân, nhưng mỗi cuộc gặp gỡ đều mang lại niềm vui vô cùng lớn,” ông bộc bạch.
Nhớ lại những kỷ niệm về chuyến bay đầu tiên đó, Trung tướng, Anh hùng, Phi công vũ trụ Phạm Tuân chia sẻ chuyến bay đó không được tập luyện bay thử như máy bay nên lần đầu tiên bay vào vũ trụ đã để lại cho ông cảm xúc rất sâu sắc. Đặc biệt hồi hộp và ấn tượng là lúc nghe Hội đồng khoa học công bố danh sách ông tham gia chuyến bay vũ trụ đó.
Một kỷ niệm mà ông không bao giờ quên, đó là lúc ngồi trong quả tên lửa chờ phóng và những giây phút từ con tàu vũ trụ ngắm nhìn Tổ quốc Việt Nam thân yêu./.
(Theo TTXVN)