Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu không chỉ ở các đô thị mà còn tại khu vực nông thôn. Tại huyện Phú Giáo, thời gian qua địa phương này đã có nhiều nỗ lực ứng dụng công nghệ số vào các ngành kinh tế giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra những cơ hội mới để phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Phú Giáo đẩy mạnh chuyển đổi số, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long ứng dụng nhiều giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong chăm sóc dưa lưới
Đẩy nhanh chuyển đổi số lĩnh vực kinh tế
Huyện Phú Giáo có tiềm năng lớn về sản xuất nông nghiệp. Ông Đoàn Văn Đồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết địa phương đang phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh gắn với nông thôn mới. Bên cạnh đó, để xây dựng thương hiệu nông sản, huyện ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, an toàn thực phẩm, giám sát dịch bệnh; đồng thời khuyến khích nông dân thực hiện chương trình thương mại điện tử trong nông nghiệp.
Xã An Bình đang được biết đến là “thủ phủ dưa lưới” của huyện Phú Giáo. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (HTX Kim Long), với mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao. HTX Kim Long đã ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm các yêu cầu lưu trữ, truy xuất thông tin ở mỗi công đoạn, từ sản xuất đến lưu trữ, chế biến, thương mại sản phẩm.
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Kim Long, cho biết HTX sử dụng các phần mềm ứng dụng để thu thập và phân tích dữ liệu về đất, khí hậu, sâu bệnh, từ đó đưa ra các quyết định sản xuất chính xác. Quá trình trồng dưa lưới đều được HTX ghi nhận các công đoạn sản xuất, có mã QR code để truy xuất nguồn gốc các công đoạn. Có mã vùng trồng, HTX thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu nông sản. Đặc biệt, HTX đã xuất khẩu sản phẩm sang thị trường khó tính như Nhật Bản. Sản phẩm dưa lưới của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, cũng được bán qua kênh thương mại điện tử.
Tận dụng thế mạnh về nông nghiệp, huyện Phú Giáo đã và đang khai thác, phát triển du lịch gắn với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, dã ngoại cuối tuần vừa tham quan, nghỉ dưỡng vừa trải nghiệm cuộc sống trong không gian nông thôn. Năm 2023, huyện đã hoàn thành việc xây dựng và triển khai bản đồ du lịch số và số hóa 3D các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn nhằm góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch huyện nhà. Triển khai ứng dụng thuyết minh du lịch tự động trên thiết bị di động thông minh bằng tiếng Việt và các ngôn ngữ khác tại các di tích lịch sử văn hóa. Địa phương chú trọng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm du lịch.
Huyện Phú Giáo cũng quan tâm ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị, tài nguyên - môi trường, giao thông - vận tải, sản xuất công nghiệp…
Giải pháp thực hiện phù hợp, hiệu quả
Để quá trình chuyển đổi số mang lại hiệu quả thiết thực, huyện Phú Giáo đã và đang thực hiện các giải pháp cụ thể, phù hợp đối với từng ngành nghề, lĩnh vực.
Tình nguyện viên hướng dẫn hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thực hiện kỹ năng thương mại điện tử
Theo đó, huyện đã tổ chức tập huấn về kỹ năng thương mại, chuyển đổi số cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, thương mại - dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh. Ông Lê Văn Hậu, chuyên trồng bưởi da xanh ở xã An Linh, cho rằng việc tập huấn này rất thiết thực đối với người nông dân. “Thị trường đầu ra của sản phẩm nông nghiệp ngày càng cạnh tranh quyết liệt, trong khi đó khả năng bắt nhịp với công nghệ thông tin của người nông dân còn hạn chế làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ sản phẩm nông sản. Việc huyện tổ chức lớp tập huấn, được các chuyên gia về công nghệ thông tin cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cách quay video clip, cách giới thiệu sản phẩm cụ thể giúp người nông dân nắm bắt phương thức bán hàng hiện đại, tạo ra cơ hội để khách hàng biết đến nhà vườn, sản phẩm nông sản của người nông dân nhiều hơn”, ông Hậu chia sẻ.
Tại các địa phương như thị trấn Phước Vĩnh, xã Tân Hiệp đã tổ chức tuyên truyền đến các hộ kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ về những tiện ích và tầm quan trọng khi thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chuyển đổi số. Chị Nguyễn Thị Lan, chủ cửa hàng gạo ở thị trấn Phước Vĩnh, cho hay hiện nay phương thức thanh toán qua việc quét mã QR trở nên phổ biến, giúp cửa hàng giảm thiểu thời gian đếm tiền, trả lại tiền thừa, tăng năng suất bán hàng.
Bà Trần Hồng Dung, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết địa phương đang thực hiện các biện pháp huy động nguồn lực đầu tư xã hội kết hợp với nguồn ngân sách để thực hiện, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thành công. Trong đó, huyện chú trọng phát huy vai trò chủ thể và động lực chuyển đổi số của người dân, cộng đồng doanh nghiệp kết hợp vai trò dẫn dắt thực hiện của chính quyền địa phương; phát huy vai trò của doanh nghiệp công nghệ số và đội ngũ chuyên gia. Địa phương cũng thực hiện thí điểm triển khai một số mô hình mới, trên cơ sở ứng dụng công nghệ số phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp để đánh giá, hoàn thiện trước khi triển khai nhân rộng mô hình...
TIẾN HẠNH