Trong thời đại 4.0 hiện nay, chuyển đổi số (CĐS) mở ra cho phụ nữ (PN) nhiều cơ hội phát triển và hội nhập nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều hạn chế, thách thức. Vì vậy, việc nâng cao kỹ năng số cho PN là rất quan trọng nhằm tận dụng các cơ hội và hạn chế những rủi ro do kỷ nguyên số mang lại.
Chị Xuân Hương (phải) hướng dẫn cho mẹ chồng cài đặt các app cần thiết trên điện thoại. Ảnh: QUỲNH NHƯ
Mở ra nhiều cơ hội và thách thức
Ngày nay, CĐS, phát triển thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh... đã mở ra nhiều cơ hội cho PN khởi nghiệp, hòa mình vào nền kinh tế số. Tuy nhiên, chính sự phát triển của công nghệ số cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ PN bị lừa đảo, quấy rối, xâm hại, bị lợi dụng...
Tận dụng các nền tảng số như Zalo, Facebook, Youtube, Tiktok, Shopee... chị Phan Thị Diện (sinh năm 1986, ngụ tại phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên) đã tiếp cận sàn thương mại điện tử và kinh doanh online các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp như: Mỹ phẩm, sữa, bột ngũ cốc, sâm… Hệ thống kinh doanh của chị ngày càng mở rộng với khoảng 30 người tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước và chủ yếu bán hàng trên internet, sàn thương mại điện tử. Doanh thu hàng tháng của hệ thống đạt khoảng 500 triệu đồng. Chị Diện cho biết chị lựa chọn bán hàng online vì việc tiếp cận với các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử không mất chi phí, không bị giới hạn về khoảng cách địa lý, có thể tiếp cận được với đa dạng khách hàng trong tỉnh, trong nước, thậm chí là cả nước ngoài.
Chị Tống Thị Mỹ Châu, Ban Nữ công Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Rochdale Spears (TP.Thuận An), cho biết: “Thông qua các ứng dụng công nghệ số, chúng tôi đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn của các nữ công nhân để hỗ trợ; phổ biến các thông tin về những quy định mới, những hoạt động công đoàn của công ty và những chế độ chính sách dành cho công nhân… Đặc biệt, các hoạt động này giúp chị em có thêm những kỹ năng phòng tránh những rủi ro do các loại hình tội phạm công nghệ thông qua các nền tảng mạng xã hội…”.
Theo chị Lâm Hoàng Thùy Trang, Bí thư Thành đoàn Dĩ An, CĐS mang đến cơ hội tiếp cận được nguồn thông tin to lớn, nhiều cơ hội nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hội nhập xã hội, xây dựng bình đẳng giới, tạo cơ hội cho PN phát triển toàn diện… Tuy nhiên, nếu tiếp cận không đúng, việc CĐS sẽ dễ dẫn đến sự phụ thuộc vào cuộc sống số, xa rời cuộc sống thực tế, vì vậy cần có sự cân bằng để tận dụng CĐS trong phát triển bản thân và hội nhập cùng thế giới.
Bắt nhịp nhanh
Yêu cầu cấp thiết của việc ứng dụng công nghệ trong cuộc sống hàng ngày khiến cho việc phổ cập kiến thức, kỹ năng liên quan đến cán bộ, hội viên, PN là cần thiết hơn bao giờ hết. Đặc biệt với PN lớn tuổi, cần giúp họ “bắt nhịp” nhanh hơn nhưng cũng phải cẩn thận hơn khi làm quen với công nghệ, giúp họ an toàn trên không gian mạng…
Trong thời gian qua, Hội Liên hiệp PN (LHPN) các cấp luôn tích cực tham gia quá trình hội nhập quốc tế và CĐS của đất nước. Hội đã xác định hỗ trợ PN hội nhập và CĐS là một trong những nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài của tổ chức để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, CĐS không chỉ là giải pháp thúc đẩy phát triển mà còn là yêu cầu tất yếu, cấp thiết đối với các quốc gia cũng như từng cá nhân. Trong khi đó, PN gặp nhiều rào cản, khó khăn trong tiếp cận thiết bị công nghệ, kiến thức và kỹ năng số. Chính vì vậy, cán bộ hội, PN (nhất là những người lớn tuổi) rất cần được nâng cao nhận thức, năng lực CĐS để tận dụng cơ hội phát triển bản thân, gia đình và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trao đổi với chúng tôi về việc triển khai CĐS cho cán bộ, hội viên, PN ở cơ sở, chị Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Giáo, cho biết đối với Hội LHPN huyện Phú Giáo, trên cơ sở kế hoạch, chỉ đạo của huyện, của Hội LHPN tỉnh, Huyện hội tập trung công tác tuyên truyền. Hội đang triển khai cụ thể phần việc mỗi gia đình cán bộ, hội viên, PN phải có ít nhất một người am hiểu công nghệ thông tin để chỉ bày cho những người còn lại trong gia đình, từ đó mới nhân rộng ra trong cộng đồng. Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến công nghệ, Hội khuyến cáo hội viên, PN phải cẩn trọng để không bị dính bẫy các đối tượng lừa đảo, giúp chị em an toàn trên không gian mạng. Với cán bộ hội, Hội quản lý theo nhóm Zalo, Fakebook… nên việc trao đổi thông tin, triển khai công việc cũng khá dễ dàng.
Nói về việc “cầm tay chỉ… công nghệ”, chị Nguyễn Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, cho biết ban đầu mẹ chồng chị rất e ngại với việc sử dụng công nghệ, cho đến khi đi khám chữa bệnh tại bệnh viện, thấy sự tiện lợi khi cài đặt ứng dụng VssID để tra cứu thông tin thế là mẹ chồng chị tìm hiểu. Chị cũng nhân cơ hội đó bày vẽ thêm cho mẹ chồng những ứng dụng công nghệ cần thiết khác nữa. Giờ thì mẹ chồng chị Xuân Hương không còn lóng ngóng khi sử dụng điện thoai thông minh như trước đây. Một số gia đình cũng làm theo cách của chị nên hầu như hội viên, PN ở nông thôn cũng không quá khó khăn nếu muốn tiếp cận những ứng dụng cần thiết trong quá trình CĐS.
QUỲNH NHƯ - MINH HIẾU