Cô Lê Thị Duyên: Cống hiến bằng cái tâm và lòng yêu nghề!

Cập nhật: 27-03-2013 | 00:00:00
(BDO) Trong 34 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, cô Lê Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường mầm non Đoàn Thị Liên, TP.TDM (Bình Dương) có đến 20 năm trực tiếp đứng lớp. Cô cho biết: Nói đến giáo viên mầm non thường được người ta gắn thêm chữ “cực”. Vì vậy, phải cống hiến bằng cả cái tâm và lòng yêu nghề thì họ mới trụ được với nghề. Bản thân cô cũng vậy, trải qua bao thăng trầm, giờ đây cô có thể tự hào rằng mình luôn cống hiến hết mình cho công việc. Năm 1978, tròn 18 tuổi, cô Duyên xin làm nghề dạy trẻ. Thời đó, giáo viên mầm non thường không có bằng cấp. Sau 3 năm gắn bó, cô xin đi học trung cấp nuôi dạy trẻ ở Trường nuôi dạy trẻ Trung ương 2. 20 năm trực tiếp đứng lớp, cô Duyên luôn tận tâm với công việc. Cô kể: Thời đó khó khăn trăm bề, nghề giáo lại càng khổ hơn. Bạn bè trang lứa với cô nhiều người đã phải bỏ nghề. Hàng ngày, công việc bắt đầu từ 3 giờ sáng, bởi các cô phải vô trường xay sữa đậu nành để bảo đảm dinh dưỡng cho các cháu. Hết giờ giữ trẻ (khoảng 17 giờ), các cô lại phải đi chẻ củi, xách nước đủ chỉ tiêu mới được về. Với cô, công việc nuôi dạy trẻ ở bậc mầm non đâu đơn giản là giữ trẻ, mà các cô là những người đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên suy nghĩ, nhận thức của trẻ, giúp bé có nền tảng phát triển tốt hơn trong những năm tiếp theo. Vì vậy, bản thân cô luôn gần gũi, hết lòng chăm sóc và hiểu tâm lý từng đứa trẻ. Từ đó, suy nghĩ, tìm phương pháp dạy sao cho trẻ dễ hiểu nhất, tiếp thu nhanh nhất. Hiện nay với vai trò mới - hiệu trưởng, cô Duyên cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cô Duyên cho biết, công việc của giáo viên mầm non rất vất vả, họ phải làm việc từ 10 - 12 giờ/ngày. Nhà trường không chăm lo cho họ được về vật chất thì phải chăm lo về tinh thần. Đó là những lời động viên, thăm hỏi ân cần và chia sẻ khó khăn với cán bộ, giáo viên nhà trường. Một nguyên tắc trong cách làm việc của cô là không bao giờ có 2 chữ “mệnh lệnh” mà là sự chia sẻ, nhất trí đồng lòng để đưa một tập thể ngày càng đi lên. Trường mầm non Đoàn Thị Liên như ngôi ngôi nhà lớn và giáo viên là nhữưng anh chị em trong gia đình đó. Để phong trào của nhà trường đi lên, cô thường xuyên động viên, khuyến khích giáo viên phát huy sáng kiến trong giảng dạy và chăm sóc các cháu. Vì thế, nhà trường không chỉ được ngành giáo dục đánh giá là đơn vị có nhiều cố gắng trong hoạt động dạy và học mà trường còn được phụ huynh tin tưởng, yên tâm khi gửi con.34 năm trong nghề, cũng sắp đến tuổi về hưu, điều cô Duyên trăn trở nhất là làm sao truyền được “lửa” để lớp trẻ yêu nghề, gắn bó với nghề. Bởi theo cô Duyên, thời buổi kinh tế thị trường, chữ “kính thầy” có phần bị xem nhẹ và không ít cô giáo trẻ chưa hiểu hết ý nghĩa của chữ “thầy”. Vì vậy, chia sẻ kinh nghiệm, động viên các cô giáo biết phấn đấu, yêu nghề mình đã chọn là điều mà cô giáo Lê Thị Duyên đã và đang tiếp tục làm. Thu Thảo
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=312
Quay lên trên