Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, năm 2020, Bình Dương đã giữ địa bàn an toàn, ổn định và phát triển. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh cơ bản đều hoàn thành ở mức khá cao so với cả nước. Sản xuất công nghiệp năm 2020 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đóng góp tích cực cho quá trình phục hồi nền kinh tế của tỉnh.
Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thử thách do dịch bệnh Covid-19, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2020 vẫn duy trì mức tăng trưởng khá. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình
Vượt khó
Năm 2020 các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh đặt ra rất cao, tuy nhiên sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ. Thế nhưng, bằng sự quyết liệt, quyết tâm, sáng tạo, đoàn kết, Bình Dương đã giữ địa bàn luôn an toàn, ổn định và phát triển, tăng trưởng kinh tế của tỉnh nằm trong nhóm các địa phương có mức tăng trưởng khá cao.
Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 6,91%; GRDP bình quân đầu người đạt 151 triệu đồng/năm (tương đương 6.500 đô la Mỹ); cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục dịch chuyển tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, duy trì và nâng cao giá trị nông nghiệp một cách hợp lý; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27,4 tỷ đô la Mỹ (tăng 8,5%); kim ngạch nhập khẩu ước đạt 21,4 tỷ đô la Mỹ (tăng 7,5%); thặng dư thương mại của tỉnh năm 2020 đạt gần 6 tỷ đô la Mỹ.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn có mức tăng trưởng khá, nhất là các ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp điện, điện tử. Tỉnh đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN).
Theo đó, tỉnh đã tập trung triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, chủ động nắm bắt tình hình, tích cực đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các ngành sản phẩm, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Đồng thời, xây dựng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh các đề án phát triển công nghiệp bền vững, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút thêm nhiều dự án sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp.
Với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho DN, đã thúc đẩy sản xuất, góp phần đưa ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Ước tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cả năm 2020 tăng 8,02% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,96%; sản xuất và phân phối điện khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 10,52%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,5%.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết bên cạnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, thời gian qua, Sở Công thương đã phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút thêm nhiều dự án sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các DN phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hoàn thành những mục tiêu
Lường trước những nguy cơ từ dịch bệnh Covid-19, từ rất sớm tỉnh đã xây dựng, triển khai nhanh các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Lãnh đạo tỉnh cũng đã hoàn thành trọng trách mà Chính phủ giao phó trong việc đón công dân Việt Nam trở về, người nước ngoài vào làm việc, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Các biện pháp, kịch bản phòng, chống dịch bệnh của tỉnh ở mức cao hơn và sớm hơn so với chỉ đạo, bảo đảm ứng phó, xử lý linh hoạt, sáng tạo, kịp thời các tình huống phát sinh. Nhờ vậy, dù là địa bàn có rất nhiều nguy cơ dịch bệnh lây lan, nhưng đến nay, tỉnh đã giữ được an toàn trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng DN; tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ nhà đầu tư, DN từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án. Song song đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số để giảm thời gian và chi phí cho DN, mở rộng và tăng cường chất lượng dịch vụ hành chính công theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thiểu các thủ tục, xây dựng nền hành chính hiện đại, văn minh phục vụ tốt hơn cho DN.
Kết quả, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 59.700 tỷ đồng, đạt 96% dự toán HĐND tỉnh, tăng 1% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 133.568 tỷ đồng, tăng 11,6%. Đến ngày 15-11-2020, giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 5.131 tỷ đồng, đạt 34,4% kế hoạch điều chỉnh năm 2020 và đạt 47,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Thu hút đầu tư trong nước đạt 70.051 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2019); lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 48.456 DN đăng ký kinh doanh, tổng vốn đăng ký 434.708 tỷ đồng. Về đầu tư nước ngoài, trong năm 2020, tỉnh đã thu hút được thêm 1,85 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 3.928 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký trên 35,4 tỷ đô la Mỹ.
Năm 2020, Bình Dương tiếp tục phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị, ổn định tốc độ tăng trưởng và giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực. Ưu tiên thu hút, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động, góp phần nội địa hóa sản phẩm, xây dựng danh mục các ngành nghề dự án, kêu gọi thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp. Đồng thời, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và chuẩn bị đầy đủ điều kiện hạ tầng đón các nhà đầu tư lớn với chiến lược lâu dài. Phát huy kết quả đạt được, năm 2021, UBND tỉnh xác định 33 chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển KT-XH. Theo đó, phấn đấu tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,5 đến 8,7%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2% so với năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16%, kim ngạch xuất khẩu tăng 12% so với năm 2020. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 58.700 tỷ đồng; tổng chi cân đối ngân sách địa phương 22.530 tỷ đồng. |
NGỌC THANH