Những ngày cuối tháng 2 này, thời tiết hanh khô, nền nhiệt độ cao rất dễ gây ra cháy rừng. Các ngành chức năng tỉnh Bình Dương đang khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng chống cháy rừng (PCCR) trên địa bàn. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Võ Thành Long, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, tình hình thời tiết ảnh hưởng như thế nào đối với công tác PCCR trên địa bàn tỉnh trong mùa khô năm nay?
- Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Dương, hiện tượng ENSO (El Nino dao động Nam) sẽ tiếp tục ở trạng thái trung tính (giữa El Nino và La Nina), nhưng nghiêng về pha lạnh trong các tháng cuối năm 2017 và gia tăng khả năng xuất hiện La Nina vào đầu năm 2018, với xác suất xảy ra khoảng 50 - 60%. Qua đó, có thể thấy, biến đổi khí hậu toàn cầu đã gây ra diễn biến thời tiết cực đoan, rất khó đoán trong mùa khô năm nay. Nhiều khả năng, sau Rằm tháng giêng âm lịch, thời tiết trở nên nóng bức, dễ gây ra cháy rừng.
Lực lượng kiểm lâm kiểm tra tình hình PCCR tại rừng phòng hộ núi Cậu. Ảnh: H.NGA
Nguy cơ cháy rừng đang đe dọa rừng phòng hộ núi Cậu (Dầu Tiếng), bởi đây là thời điểm khách hành hương đến núi Cậu tăng cao. Chúng tôi rất mong mọi người khi hành hương về chùa Thái Sơn - Núi Cậu không tổ chức nấu ăn, sinh hoạt trong khu vực rừng phòng hộ, hạn chế tối đa các tác nhân gây ra cháy nổ trong dịp Rằm tháng giêng.
- Ngoài khu vực núi Cậu, hiện Bình Dương còn khu vực nào dễ xảy ra nguy cơ cháy rừng, thưa ông?
- Ngoài rừng phòng hộ núi Cậu, rừng sản xuất ở xã An Lập, huyện Dầu Tiếng và rừng đặc dụng tại Trạm thực nghiệm An Lập (Dầu Tiếng) là những nơi dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô 2018.
Chẳng hạn, rừng phòng hộ núi Cậu với địa hình đồi núi cao, đá lộ đâu nhiêu, lớp thảm thực vật dày…, khi xảy ra cháy rừng rất dễ lây lan khu vực xung quanh, bởi nguồn nước chỉ chảy bao quanh khu vực rừng phòng hộ, trong rừng không hề có nguồn nước và con suối nào. Địa hình hiểm trở nên lực lượng chức năng không thể đem các phương tiện hiện đại lên núi Cậu để chữa cháy, hầu hết phải dùng các công cụ chữa cháy thô sơ. Đối với rừng thực nghiệm An Lập với lớp thảm thực vậy dày, lại liên canh, liên cư với các hộ gia đình sản xuất, cùng với đó địa hình khu vực bị chia cắt, nếu xảy ra cháy rừng sẽ gây nhiều khó khăn cho lực lượng ứng cứu.
- Xin ông cho biết, đến nay công tác PCCR mùa khô 2018 đã được ngành chức năng thực hiện như thế nào?
- Thực hiện theo Chỉ thị 47 ngày 25- 6-2015 của Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị số 10 ngày 30-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 9771 ngày 22-11-2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chỉ thị số 24 ngày 5-12-2017 của UBND tỉnh, đến nay Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã sẵn sàng cho công tác PCCR mùa khô 2018.
Theo đó, Ban chỉ huy hiện trường đã được thành lập với 17 thành viên, theo Quyết định số 111 ngày 5-12-2017 của Ban chỉ đạo Ứng phó sự cố môi trường do cháy nổ tỉnh. Ban chỉ huy hiện trường sẽ tham gia chỉ huy, ứng phó và khắc phục sự cố trực tiếp tại hiện trường khi xảy ra cháy rừng; bên cạnh đó là sự giúp sức của Ban chỉ huy PCCR cấp huyện, cấp xã. Ngoài ra, từng ấp còn có tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng sẵn sàng tham gia ứng cứu khi xảy ra sự cố cháy rừng.
Thực hiện Chỉ thị số 24 ngày 5-12-2017 của UBND tỉnh, trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh, Cảnh sát PCCC tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh… đã đồng loạt ra quân khảo sát, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và xây dựng các phương án PCCC khi xảy ra sự cố tại các địa phương có rừng. Ngay sau kỳ nghỉ tết, lực lượng của Ban chỉ huy hiện trường tiếp tục làm việc với các chủ rừng, ban quản lý rừng, hạt kiểm lâm… để cảnh giác, đề cao tinh thần sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Cùng với đó, các đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCR tới từng hộ dân tham gia trồng rừng và sống ven khu vực có rừng bao bọc.
Hôm qua (27-2), lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục xuống các địa phương dễ xảy ra nguy cơ cháy rừng để đôn đốc và kiểm tra các nội dung chính, như: Lực lượng trực thường xuyên các vùng trọng điểm; xác định nguồn nước chữa cháy, các phương tiện, dụng cụ chữa cháy, theo đó phải luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng cứu. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng với các đơn vị liên quan đang nỗ lực thực hiện nghiêm túc 4 phương châm tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ, với khẩu hiệu “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời và hiệu quả”, không để bất cứ sự cố bất ngờ nào xảy ra trong mùa khô 2018.
XUÂN VĨ (thực hiện)