Nhiều yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu da giày trong năm nay

Cập nhật: 28-02-2018 | 08:31:00

Đánh giá về triển vọng phát triển của ngành da giày trong năm nay, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam cho rằng, với kết quả khả quan đạt 18 tỷ USD trong năm 2017, tăng 10,7% so với năm trước, ngành da giày nhiều khả năng sẽ có sức bật tốt trong năm nay bởi có nhiều yếu tố thuận lợi. Cụ thể, thuận lợi bởi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến sẽ được ký kết vào giữa năm 2018. So với đối thủ cạnh tranh khác, sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5 - 4,2% khi xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn.

Khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất giảm về 0%, đặc biệt là mức thuế sản phẩm chủ lực giày thể thao, chiếm tới 2/3 tổng lượng giày xuất khẩu vào EU sẽ giảm ngay chứ không chịu mức bảo hộ 7 năm như giày da. Tương tự, mặt hàng túi xách không bảo hộ nên thuế suất cũng sẽ về 0%. “Quy tắc xuất xứ áp dụng như GSP nên khá thuận lợi, vì vậy chắc chắn dòng đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam sẽ rất nhiều. Vấn đề chỉ còn là doanh nghiệp trong nước sẽ đón nhận cơ hội từ hiệp định này ra sao”, bà Xuân nói.

Theo nhiều chuyên gia, hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra cơ hội thu hút đơn hàng cho ngành da giày. Đặc biệt, khi các nhãn hàng lớn đến Việt Nam cũng kéo theo dòng luân chuyển của vốn và công nghệ. Sự biến đổi này vừa là cơ hội cũng là thách thức buộc doanh nghiệp trong nước phải có sự đầu tư tương ứng nhằm đủ khả năng tiếp nhận được đơn hàng lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và thời gian giao hàng. Đồng thời, cũng là một cơ hội tốt cho ngành da giày biến đổi cả về chất lượng.

K.T

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên