Trong những năm gần đây, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác với nhiều hình thức tổ chức phong phú, hoạt động đa dạng, ngày càng phát triển cả về số lượng và quy mô, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh nhà. Nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã tiếp cận chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng công nghệ vào sản xuất, tổ chức hoạt động của hợp tác xã; kết nối sản xuất, tiêu thụ, thích ứng với nhu cầu thị trường.
Để sản phẩm các cơ sở phát triển trên thị trường, ngành công thương tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để các cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện thay đổi máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại; thay đổi công nghệ đóng gói, bao bì; hỗ trợ đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tất cả nhằm giúp các đơn vị bắt nhịp được với tốc độ công nghệ 4.0. Ở chiều ngược lại, dưới sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn ý thức cao trong việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tối ưu hóa các quy trình, nâng cao chất lượng hàng hóa.
Hiệu quả dễ nhận thấy nhất chính là số lượng và chất lượng của sản phẩm công nghiệp nông thôn được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp năm sau luôn cao hơn năm trước. Với đòn bẩy từ chương trình hỗ trợ máy móc, thiết bị cùng chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, Bình Dương đã xuất hiện nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn với những sản phẩm có chất lượng và mang tính cạnh tranh cao. Các đơn vị đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng các công nghệ số vào các khâu, như quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, maketing, bán hàng và thanh toán.
Điều đạt được lớn hơn là những đề án, mô hình khuyến công không chỉ giúp cơ sở mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn là mô hình mẫu, có tác động nhân rộng cho các đơn vị khác. Cái lợi lớn nhất của chương trình khuyến công là tạo động lực, khuyến khích, động viên các đơn vị công nghiệp nông thôn đầu tư, ứng dụng đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn về vai trò của hoạt động khuyến công được nâng cao hơn.
Để đạt kết quả cao hơn, thời gian tới, Sở Công thương và các địa phương cần đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, nhất là cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp được áp dụng thực hiện những chính sách hiện hành của Nhà nước về phát triển công nghiệp nông thôn. Đồng thời Sở Công thương xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể với từng địa phương, khuyến khích các cơ sở tham gia chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp. Khi sản phẩm được công nhận sở sẽ tư vấn, định hướng và có hỗ trợ sát thực, hiệu quả từ các hoạt động khuyến công. Bên cạnh đó, sở phối hợp các chương trình khác của tỉnh như OCOP, khởi nghiệp nhằm tìm kiếm sản phẩm đạt giải, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, phát triển.
TIỂU MY