Cụm Doanh nghiệp an toàn phòng cháy chữa cháy trong Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore: Không để xảy ra cháy nổ

Cập nhật: 14-11-2016 | 08:22:30

 Cụm doanh nghiệp an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore I (TX. Thuận An) được thành lập vào tháng 9-2015 với 8 thành viên, hoạt động theo mô hình tự quản, được sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ và quản lý nhà nước của Cảnh sát PC&CC tỉnh. Đây là cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong KCN được thí điểm thành lập đầu tiên để triển khai ra các KCN khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Sau 1 năm hoạt động, trong cụm không xảy ra vụ cháy nổ nào.

Các thành viên Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong KCN Việt Nam - Singapore I nhiệm kỳ II ra mắt tại lễ sơ kết hoạt động của cụm vừa qua. Ảnh: DUY CHÍ

Tinh thần tự quản

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam được các doanh nghiệp trong cụm tín nhiệm bầu làm Cụm trưởng Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong KCN Việt Nam - Singapore I, từ tháng 9-2015 đến tháng 9-2016. Nhiệm vụ của cụm trưởng là đôn đốc, lãnh đạo các doanh nghiệp thành viên thực hiện tốt quy chế hoạt động đã được các thành viên trong cụm tự nguyện và thống nhất ký kết; phối hợp với Cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Dương tuyên truyền về mô hình Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC, cũng như các hoạt động nghiệp vụ khác đã được ghi trong kế hoạch, quy chế hoạt động; cùng với đó là tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm về những việc làm được, chưa làm được trong nhiệm kỳ và chuyển giao nhiệm vụ cho các thành viên tiếp theo.

Đại tá Nguyễn Văn Dựt, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Dương, cho biết tục ngữ có câu “Nước xa không cứu được lửa gần”, mô hình Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong KCN là vận dụng phương châm “4 tại chỗ” có tổ chức. Kết quả cho thấy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng trong việc bảo đảm an toàn PCCC cho doanh nghiệp mình và các doanh nghiệp xung quanh. Bên cạnh những kết quả đã đạt được sau 1 năm hoạt động thì những tồn tại, hạn chế của Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong KCN Việt Nam - Singapore cũng đã được nêu ra. Các thành viên trong cụm cần phải quan tâm khắc phục, bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn của Cảnh sát PC&CC nhằm giúp doanh nghiệp bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất và phát triển.

Tham gia Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong KCN Việt Nam - Singapore I đều là những doanh nghiệp chấp hành và làm tốt các quy định về an toàn PCCC. Người đứng đầu các doanh nghiệp tham gia cụm đều rất quan tâm đến công tác an toàn PCCC và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn PCCC, nên hoạt động PCCC trong mỗi doanh nghiệp đều rất sôi nổi, hiệu quả, có sự hợp tác, tương trợ nhau, từ đó góp phần bảo đảm an toàn PCCC và trật tự an toàn xã hội trong quá trình sản xuất và khu vực sản xuất.

Cụ thể hơn, mỗi doanh nghiệp tham gia cụm đều có kế hoạch đã được cơ quan Cảnh sát PC&CC phê duyệt. Theo đó, mỗi doanh nghiệp tổ chức thực tập phương án CC và cứu nạn cứu hộ tại đơn vị theo sự hướng dẫn, kiểm tra và hỗ trợ của Cảnh sát PC&CC; cùng với đó có quy định nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời có quy định phân công chức trách, trách nhiệm PCCC. Kế hoạch đã được duyệt yêu cầu hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn nhiệt, nguồn lửa phải bảo đảm an toàn về PCCC; hệ thống chống sét phải được kiểm tra điện trở nối đất định kỳ trước mùa mưa hàng năm; có quy trình kỹ thuật an toàn về PCCC phù hợp với điều kiện sản xuất. Cũng theo kế hoạch, doanh nghiệp tham gia cụm phải có đội PCCC cơ sở bảo đảm về số lượng, thường xuyên được huấn luyện nghiệp vụ và tổ chức thường trực sẵn sàng CC, đáp ứng yêu cầu CC tại chỗ...

Giúp doanh nghiệp an toàn trong sản xuất

Cùng với việc bảo đảm an toàn PCCC theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), các thành viên trong Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong KCN Việt Nam - Singapore I còn tích cực hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong việc tuyên truyền và thực hiện các nhiệm vụ an toàn về PCCC. Cụ thể như: Lập và quản lý hồ sơ an toàn PCCC trong doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, sắp xếp hàng hóa, tổ chức sản xuất hiệu quả, an toàn; xây dựng phương án huấn luyện, diễn tập PCCC và cứu nạn cứu hộ tại các đơn vị; kiểm tra chéo lẫn nhau nhằm nâng cao hiệu quả an toàn về PCCC…

Được sự quan tâm của Cảnh sát PC&CC tỉnh, Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC đã triển khai thực hiện các hoạt động nhằm bảo đảm công tác an toàn PCCC trong khu vực nói chung và trong công ty nói riêng. Bên cạnh đó, các thành viên trong cụm đã duy trì họp định kỳ nhằm triển khai kế hoạch, phương án phối hợp diễn tập an toàn PCCC trong cụm. Đối với cụm trưởng là Công ty TNHH Apparel Far Eastern, lần đầu tiên đã tổ chức diễn tập phương án phối hợp các thành viên trong cụm về PCCC và cứu nạn cứu hộ thành công; sau đó các thành viên tổ chức kiểm tra, chấm điểm lẫn nhau và mở lớp tuyên truyền về nghiệp vụ PCCC cho các đội viên đội PCCC cơ sở của các thành viên trong cụm.

Qua 1 năm thực hiện thí điểm mô hình Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC, được sự quan tâm chỉ đạo của Cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Dương, hoạt động bảo đảm an toàn PCCC ở các doanh nghiệp trong cụm đã đi vào nề nếp và có chiều sâu. Nhờ đó, từ ngày thành lập cụm đến nay đã bảo đảm không để xảy ra vụ cháy nổ nào trong các doanh nghiệp thành viên. Từ đó có thể khẳng định, mô hình Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC là nhân tố tích cực và là nguồn lực mới cho công tác bảo đảm an toàn PCCC trong KCN Việt Nam - Singapore nói chung và các doanh nghiệp trong cụm nói riêng. Mô hình này đã giúp các doanh nghiệp học tập, chia sẻ kinh nghiệm quản lý trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn PCCC, nâng cao uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường.

 “Điểm vàng” thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy nơi đông người

 Sau sự cố cháy quán karaoke ở Hà Nội làm nhiều người chết vừa qua cho thấy, “điểm vàng” thoát nạn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nếu chậm trễ sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Chia sẻ về một số kỹ năng cơ bản để thoát nạn khi xảy ra cháy, thượng úy Phạm Ngọc Thanh, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền hướng dẫn về phòng cháy, Phòng hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy của Cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Dương, cho biết tại các nơi tập trung đông người như rạp chiếu phim, siêu thị, trung tâm thương mại, quán karaoke, nếu xảy ra sự cố cháy thì hệ thống điện sẽ bị cắt dẫn đến hoảng loạn, xô đẩy. Việc đầu tiên là chúng ta phải bình tĩnh, xác định nguyên nhân, hướng cháy để thoát nạn kịp thời. Nếu biết sử dụng bình chữa cháy hoặc các thiết bị chữa cháy tại chỗ thì tham gia dập tắt đám cháy; theo hướng đèn chỉ dẫn Exit, nhanh chóng thoát nạn ra bên ngoài theo sự hướng dẫn của chỉ huy chữa cháy hoặc người có trách nhiệm tại chỗ.

Trong trường hợp đang ở trong phòng kín, chúng ta phải nhanh chóng thoát ra bên ngoài theo hướng chỉ dẫn Exit trên đường; đồng thời dùng khăn, vải, tay áo... nhúng nước che mũi, miệng để tránh hít phải khói, khí độc và chạy ra ngoài đến cầu thang bộ để thoát nạn. Tuyệt đối không được vào thang máy, chạy vào trong phòng, toilet, nhà tắm. Khi phát hiện có cháy phải hô to “cháy, cháy, cháy” để mọi người biết và dùng điện thoại gọi ngay cho Cảnh sát PCCC số 114 để được ứng cứu.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=639
Quay lên trên