Từ sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân, hàng năm Hội Khuyến học tỉnh tặng hàng trăm suất học bổng cho HS nghèo hiếu học
Hệ thống trường lớp phát triển
Hiện nay mạng lưới trường lớp được phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Toàn tỉnh có 454 đơn vị, trường học, trong đó có 119 trường tư thục. Phát triển mạnh nhất là giáo dục mầm non. Quy mô, mạng lưới trường lớp tư thục phát triển khá nhanh, nhất là các địa bàn: TX.Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát, TP.Thủ Dầu Một. Nếu như những năm đầu mầm non ngoài công lập có quy mô nhóm lớp nhỏ, lẻ, thì những năm gần đây từng bước phát triển các trường có quy mô lớn. Do các trường ra đời đáp ứng nhu cầu gửi con cho nhiều thành phần khác nhau, nên chủ trường không ngần ngại đầu tư tiền tỷ vào xây dựng trường lớp. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường tư thục ngày càng ổn định và đi vào nề nếp, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới của cấp học. Bà Phạm Thị Huệ Trang, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT tỉnh nhận xét, cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng đồ chơi phục vụ các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được cải thiện và cơ bản bảo đảm khá đầy đủ, từng bước phù hợp với yêu cầu điều lệ và quy chế trường mầm non.
Cách nay 5 năm, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 trường phổ thông dân lập, thì hiện nay hệ thống trường trung, tiểu học tư thục phát triển mạnh ở các địa bàn: TP.TDM, Thuận An, Dĩ An. Không vì mục đích lợi nhuận, nhà đầu tư đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây dựng trường lầu khá quy mô. Từ khi có các trường này, phụ huynh có thêm địa chỉ để lựa chọn cho con em học bán trú, nội trú mà không phải về tận TP.HCM học như trước đây.
Phát triển mạnh không kém là hệ thống các trường chuyên nghiệp. Năm học 2012-2013 toàn tỉnh có 17 trường thuộc sự nghiệp đào tạo, trong đó có 11 trường ngoài công lập. Với hệ thống trường lớp như trên, các trường đã đào tạo ra nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT nói, tỉnh đang tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển các trường chuyên nghiệp ngoài công lập. Năm học này sở nhận được 2 đề án xin thành lập trường trung cấp đặt tại huyện Bến Cát. Thực hiện các chính sách của Trung ương và địa phương về XHHGD, từ tháng 5-2008 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất cho 15 tổ chức với diện tích 123.763,3m2.
Xã hội cùng chăm lo sự nghiệp trồng người
Chủ trương XHHGD đã phát huy được tính hiệu quả. Ngành đã huy động mọi nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, trao tặng học bổng cho học sinh (HS) nghèo hiếu học. Trong mỗi năm học, nhiều công ty, doanh nghiệp tiếp tục sát cánh với ngành giáo dục trong việc chăm lo sự nghiệp trồng người. Từ khi có chủ trương XHHGD (năm học 2004-2005 đến nay), tổng huy động vật chất của xã hội hỗ trợ cho giáo dục là 159 tỷ 671 triệu đồng. Ông Lê Việt Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT Tân Uyên cho biết, mỗi năm các Mạnh Thường Quân hỗ trợ cho ngành giáo dục huyện nhà khoảng 600 triệu đồng. Riêng trong năm học 2012-2013, Công ty Việt Ý đã tài trợ làm vỉa hè, phòng làm việc cho trường mầm non và tiểu học xã Tân Hiệp với kinh phí khoảng 300 triệu đồng. Sự chung sức của các Mạnh Thường Quân đã giúp các trường hoàn thiện cơ sở vật chất, phục vụ tốt hơn cho hoạt động giảng dạy. Nhóm trẻ Hài Mỹ do Công ty Hài Mỹ xây dựng đã giúp người lao động an tâm làm việc khi con em có chỗ học ổn định
Nhiều năm nay ngành giáo dục huyện Bến Cát nhận được sự hỗ trợ tích cực của các Mạnh Thường Quân. 5 năm nay, Công ty Sữa Friesland Campina đã hỗ trợ học bổng cho HS của huyện với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Oanh trao học bổng, xe đạp mỗi năm từ 100 - 200 triệu đồng; Công ty TDC Becamex hỗ trợ cho trường THCS Lê Quý Đôn mỗi năm 250 triệu đồng… sự đóng góp quý báu của các tổ chức kinh tế - xã hội đã giúp cho sự nghiệp giáo dục huyện nhà tiếp tục phát triển.
Cha mẹ HS cũng có vai trò không nhỏ trong việc chăm lo việc học tập của con em. Vì vậy, ở từng đơn vị trường đã tranh thủ sự ủng hộ của ban đại diện cha mẹ HS. Hiện nay mỗi đơn vị trường học cấp huyện, thị đều tổ chức chi hội khuyến học, các trường THPT và đơn vị trực thuộc sở tổ chức hội khuyến học cơ sở. Thực hiện quỹ học bổng khuyến học - khuyến tài, hàng năm, các đơn vị đã trao học bổng, khen thưởng HS giỏi, giáo viên giỏi, trao quà cho HS nghèo hàng chục tỷ đồng.
Có thể nói, công tác XHHGD được các cấp chính quyền quan tâm, nhân dân đồng tình ủng hộ. Giáo dục ngoài công lập đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển quy mô mạng lưới trường lớp toàn tỉnh, góp phần giảm áp lực cho các cấp học, nhất là mầm non. Nguồn kinh phí XHH đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh. Dù vậy, trong quá trình thực hiện XHHGD vẫn còn những khó khăn nhất định. Đối với giáo dục mầm non, mạng lưới trường mầm non tư thục phát triển mạnh, nhưng còn mang tính tự phát, thiếu ổn định, chưa theo quy hoạch. Đối với giáo dục phổ thông, giáo viên ở các trường tư thục đa số là giáo viên về hưu hoặc mới qua các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ nên còn gặp khó khăn trong thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy...
H.THÁI - N.THANH