Gặp những tấm gương vượt khó
Tôi gặp em tại Liên hoan Thiếu nhi vượt khó học tốt tỉnh Bình Dương lần thứ I năm 2013 vừa được tổ chức vào trung tuần tháng 7. Khuôn mặt điển trai, lanh lợi của em đã để lại ấn tượng trong tôi. Không chút rụt rè, em cho tôi biết: “Em tên Nguyễn Trần Uy Vũ, học sinh lớp 7A1, trường THCS Trịnh Hoài Đức thuộc địa bàn phường An Thạnh, TX.Thuận An. Ước mơ của Vũ là trở thành một bác sĩ da liễu và một dược sĩ điều chế thuốc để có thể nghiên cứu, trị bệnh cho những người mắc phải căn bệnh giống như Vũ.
Liên hoan Thiếu nhi vượt khó học tốt tỉnh Bình Dương lần thứ I năm 2013 do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với
Nhà Vũ thuộc hộ cận nghèo của phường. Cha mất, anh trai bị tai nạn giao thông, mẹ là lao động chính trong gia đình lại bị bệnh khớp nên không làm được những việc nặng nhọc, Vũ thì không được khỏe mạnh như bạn bè vì em bị bệnh viêm da dị ứng, huyết áp thấp, hạ canxi… Thế nhưng 7 năm qua, Vũ luôn là học sinh giỏi, đạt rất nhiều giải thưởng như: Giải III tiếng Anh trên mạng cấp thị xã; giải I hội thi an toàn giao thông năm 2012; giải nhì đơn ca Tiếng hát Họa mi năm 2012, giải I phát thanh măng non năm 2012… Động lực để Vũ luôn học giỏi là chính mẹ mình. Vũ kể: “Có một ngày đang giữ vườn măng cụt, bỗng trời mưa càng lúc càng nặng hạt. Nằm trong lều, em chờ hoài chờ mãi nhưng cũng không tạnh. Trời thì ngày càng tối dần cộng với sét đánh liên hồi. Có lẽ mẹ rất lo nên dù mưa, mẹ vẫn ra vườn đón em về. Em cảm thấy ấm áp bởi lúc đó không hiểu nước mưa hay nước mắt cứ thấm vào khuôn mặt của em”. Nghe Vũ kể, tôi cảm nhận được tình thương của người mẹ dành hết cho con. Chính vì thế mà mẹ chính là niềm tin để Vũ vững bước học tập tốt và là đứa con ngoan của mẹ.
9 năm liền là học sinh giỏi, sự vượt khó học tốt của Đào Ngọc Châu ở phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An thật đáng khâm phục. Do mất sức lao động, ba Châu chỉ làm nghề bẻ móc dây ràng. Mẹ thì làm thuê nên thu nhập chẳng đáng là bao, vậy mà lúc nào ba mẹ cũng cố gắng lo hai chị em Châu đến lớp đều đặn. Biết thế nên hai chị em Châu lúc nào cũng quyết tâm học thật tốt, không bao giờ để cha mẹ buồn lòng. Quá trình học tập của Châu cũng được trường và địa phương ghi nhận và giúp đỡ. Tâm sự với tôi, Châu bộc lộ dòng suy nghĩ của mình: “Em chỉ muốn có điều kiện để liên tục đến lớp học hành và đạt được ước mơ, để trở thành một cô giáo dạy chữ và dạy nhân cách cho các em.
Ươm mầm ước mơ
Còn nhiều, rất nhiều trường hợp tương tự được giúp đỡ và vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống. Trao đổi với tôi, bà Trương Thị Anh Đào, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết: “Bằng các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều dự án để bảo vệ, chăm sóc TE, như các Dự án Truyền thông giáo dục, vận động xã hội; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác BVCSTE; xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ TE; xây dựng mô hình trợ giúp và bảo vệ TE có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng và các chương trình xây dựng xã, phường phù hợp với TE; Chương trình hành động vì TE bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; phòng, chống tai nạn thương tích cho TE...
Cũng theo bà Đào, từ đầu năm đến nay, cụ thể hóa các chương trình, dự án, Bình Dương đã tổ chức thăm, tặng quà cho gần 13.300 TE trị giá 5,1 tỷ đồng; tổ chức diễn đàn TE cấp huyện trên 700 TE tham gia; vận động các Mạnh Thường Quân thăm, tặng hơn 45.000 phần quà trị giá gần 4 tỷ đồng cho các cháu thiếu nhi có HCĐBKK và TE đang tham gia Câu lạc bộ “Trẻ em với phòng chống HIV/AIDS” và phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức Liên hoan Thiếu nhi nghèo vượt khó tỉnh Bình Dương với chủ đề “Vì tương lai tươi sáng cho thiếu nhi”…
Có được kết quả này, Sở LĐ- TB&XH đã phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và hành động về công tác bảo vệ, chăm sóc TE, qua đó tạo điều kiện cho cộng đồng xã hội chung tay góp sức chăm lo TE nhằm giúp những mầm xanh hôm nay tỏa sáng, để xã hội không còn TE rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lao động sớm...
THU THẢO